|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM ra 'tối hậu thư' với Công ty Thuận An

19:38 | 23/04/2024
Chia sẻ
Thành phố sẽ dừng hợp đồng tại hai gói thầu dự án cải tạo kênh Tham Lương nếu Công ty Thuận An chậm huy động máy móc, nhân lực thi công trước ngày 27/4.

Nội dung được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM (chủ đầu tư) đưa ra ngày 23/4, sau cuộc họp với Công ty Thuận An. Từ hôm qua nhà thầu này đã bắt đầu huy động dần máy móc, thiết bị và nhân sự đến công trường.

Doanh nghiệp này cùng liên danh đang đảm nhận gói thầu xây lắp số 5 và 6, thuộc dự án xây dựng hạ tầng, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, với giá trị 130 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.000 tỷ đồng. Khối lượng thi công ở gói số 5 của Thuận An đạt gần 3%, gói số 6 hơn 4%. Trước đó, nhà thầu này đã dừng thi công, nhân sự ban chỉ huy, nhân công... cũng rút khỏi công trường.

Gói thầu số 6 đoạn qua cầu Tham Lương, do Công ty Thuận An đảm nhận một phần việc, tháng 2/2024. (Ảnh: Hạ Giang).

Theo chủ đầu tư, qua khảo sát, Thuận An chưa đáp ứng yêu cầu theo từng giai đoạn trên công trường. Do vậy, ngoài sớm bổ sung thiết bị, vật tư, nhân sự, nhà thầu này được yêu cầu lập lại bảng tiến độ thi công chi tiết từng phần việc đảm nhận, để bảo đảm tiến độ chung. Kế hoạch này phải nêu rõ tiến độ cung ứng vật tư, nhân lực, giá trị giải ngân từng tháng...

Ngoài ra, trước ngày 27/4 Công ty Thuận An phải thi công đồng loạt các hạng mục như lắp đặt hào kỹ thuật, cống dọc, ngang, hố ga..., bố trí ít nhất hai mũi thi công trên công trường cho từng gói thầu. Đơn vị này cũng phải chủ động giải quyết nguồn cát san lấp cho những hạng mục đảm nhận trên công trường.

Tại buổi làm việc, Thuận An cam kết tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu. Trong đó, trước ngày 27/4 doanh nghiệp sẽ bố trí nhân sự ban chỉ huy công trường, đội thi công (chỉ huy trưởng, hai cán bộ kỹ thuật, hai đội thi công trên mỗi gói thầu). Nhà thầu này cũng sẽ tập kết ít nhất 4 máy đào, 4 máy ủi, 4 ôtô, 2 máy lu cùng các loại vật tư, vật liệu... đến công trường.

Hướng tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. (Đồ hoạ: Khánh Hoàng).

Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên là kênh dài nhất TP HCM với gần 32 km, qua 7 quận, huyện ở thành phố, gồm: 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh. Dự án cải tạo dòng kênh khởi công cách đây hơn một năm, tổng vốn 8.200 tỷ đồng từ ngân sách.

Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An trụ sở trên đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội, thành lập từ năm 2004, do ông Nguyễn Duy Hưng làm chủ tịch.

Doanh nghiệp này kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện, năng lượng tái tạo, bất động sản. Những năm gần đây, Thuận An trúng hàng chục gói thầu xây lắp trên toàn quốc.

Vừa qua, ông Hưng đã bị bắt về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ, theo khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự. Hiện, ông Trần Đức Khoa, Phó tổng giám đốc công ty, được ủy quyền điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ của người đại diện pháp luật công ty.

Tại TP HCM, ngoài dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, Thuận An tham gia hai gói thầu thuộc dự án Vành đai 3 và hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Tại các công trình này, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM cho biết doanh nghiệp này đang duy trì nhân công, thiết bị trên công trường.

Gia Minh

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.