TP HCM muốn thí điểm chính quyền đô thị
Ngoài ra, TP HCM đề xuất tổ chức một cấp chính quyền (thành phố) và 2 cấp hành chính (huyện, xã); đồng thời không có HĐND cấp quận huyện, phường xã. Với mô hình này, theo UBND thành phố, là để tinh gọn bộ máy và phục vụ người dân hiệu quả hơn.
Mô hình chính quyền đô thị từng được thành phố xây dựng từ năm 2007, nhưng phải đến tháng 9/2013 HĐND TP HCM mới chính thức thông qua dự thảo đề án, sau nhiều lần "nâng lên đặt xuống" và xin ý kiến các bộ ngành.
Lúc đó, bên cạnh 13 quận nội thành cũ và 3 huyện nông thôn, TP HCM định hướng sẽ xây dựng 4 thành phố vệ tinh ở phía Đông, Tây, Nam, Bắc có các chức năng phát triển khác nhau với mô hình "thành phố trong thành phố".
Chính quyền đô thị TP HCM được đề xuất có HĐND và UBND được tổ chức 2 cấp (theo quy định hiện hành là 3 cấp) gồm cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở. Chính quyền cấp cơ sở bao gồm cấp xã, thị trấn và thành phố trực thuộc.
Ngoài ra, vì 13 quận cũ ở nội thành không tổ chức HĐND, TP HCM kiến nghị Trung ương cho phép tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 200 (trong đó khoảng 35% là đại biểu chuyên trách) để tổ chức các Đoàn (hoặc tổ) đại biểu HĐND thành phố ở các quận này nhằm tăng cường vai trò dân chủ đại diện của nhân dân và vai trò giám sát của HĐND ở địa bàn không tổ chức HĐND.
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng chủ trương của TP HCM rất táo bạo, tâm huyết, với mục đích có được cơ chế vận hành đúng với vai trò là đơn vị hành chính đặc biệt của cả nước. Tuy nhiên, đề án không được trung ương thông qua do quá lớn và vướng luật, hiến pháp, đồng thời cần nhiều cơ quan tham gia. Đề án này sau đó bị rơi vào yên lặng từ đó đến nay.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra sẽ xem xét Đề án chính quyền đô thị theo đề xuất của thành phố Hà Nội.
Mô hình này gồm hai cấp thành phố và quận, cùng cơ quan hành chính cấp phường. Ở nông thôn vẫn duy trì ba cấp chính quyền gồm thành phố, huyện (thị xã), xã (thị trấn). Dự kiến 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây sẽ không tổ chức HĐND trong nhiệm kỳ 2021 - 2026.