TP HCM kiến nghị ba vấn đề lớn lên trung ương
Ngày 2-10, sau một ngày làm việc, hội nghị lần thứ 32 Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020 đã bế mạc.
Ba kiến nghị với trung ương
Phát biểu bế mạc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ba vấn đề lớn của TP.HCM với trung ương.
Thứ nhất, TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành, trung ương có hướng dẫn khẩn trương nhất về phương án xử lý đất của doanh nghiệp (DN) nhà nước cổ phần hóa. “Có làm được điều này thì mới làm cổ phần hóa được” - ông Nhân nói.
Theo ông Nhân, vấn đề cổ phần hóa các DN nhà nước tại TP.HCM rất gian nan. Thời gian qua, TP đã trình phương án cổ phần hóa các DN nhà nước từ tháng 12-2018 và đã được Chính phủ phê duyệt nhưng đến nay chưa thực hiện được. Nguyên nhân do chưa có văn bản hướng dẫn của các bộ về phương án xử lý nhà, đất DN nhà nước khi cổ phần hóa.
Vấn đề thứ hai là Chính phủ sớm chỉ đạo theo hướng chấp thuận hoặc hoàn chỉnh quy trình công tác bồi thường, tái định cư và bàn giao mặt bằng. Theo ông Nhân, việc này TP.HCM đã trình Chính phủ cách đây nửa năm rồi nhưng chưa có kết quả.
Trước đó, giữa tháng 4-2019, trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND TP đã trình cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.
Cụ thể, TP kiến nghị Thủ tướng cho địa phương chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân đồng thuận theo quy định khoản 2 Điều 67 Luật Đất đai 2013.
Cùng với đó, cho TP.HCM được ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng cho các cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện công khai, minh bạch.
TP cũng sẽ nghiên cứu xây dựng thêm quy định chung về công tác quản lý đầu tư các dự án đầu tư có thu hồi đất trên địa bàn TP để rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Vấn đề thứ ba, liên quan đến các đạo luật trên các lĩnh vực như xây dựng, quy hoạch, đầu tư công... có chồng chéo, mâu thuẫn, TP.HCM kiến nghị với trung ương cho địa phương được xây dựng các tình huống mâu thuẫn, xung đột điển hình để Chính phủ và Quốc hội sửa luật.
“Nếu không sửa được thì cho phép TP được vận dụng luật nào là luật gốc. Ví dụ, một dự án vướng ba loại luật thì cho phép được sử dụng luật nào là luật gốc, chứ nếu không rất khó triển khai cái mới” - ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: HOÀNG GIANG
Giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm
Ngoài ba vấn đề kiến nghị với trung ương, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng giành thời gian chỉ đạo về những nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong những tháng cuối năm, trong đó có việc giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm.
Theo ông Nhân, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận là đến ngày 31-12 phải giải quyết xong. Từ đó, ông Nhân đề nghị các đơn vị liên quan trong những tháng cuối năm phải tập trung giải quyết vấn đề Thủ Thiêm.
“Nếu chưa xong đầy đủ thì những đường lối giải quyết phải xong, chứ không để vấn đề Thủ Thiêm còn bàn nhiều trong năm 2020, bởi năm sau sẽ tập trung chuẩn bị đại hội” - ông Nhân nói và yêu cầu từ nay đến cuối năm phải cơ bản xong vấn đề Thủ Thiêm.
Liên quan đến những dự án treo lâu năm như khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, dự án khu đô thị Sing Việt ở Bình Chánh, dự án Thảo Cầm Viên mới... ông Nhân cho biết đã có kết luận rồi, từ nay đến hết năm 2019 phải tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.
“Có khoảng 5-6 dự án thôi nhưng mình treo quá lâu. Phấn đấu hết năm nay giải quyết để năm sau không phải nhắc đến việc này nữa” - ông Nhân yêu cầu.
|
Kinh tế tăng trưởng khá
Trước đó, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế TP có bước phát triển khá. Tổng sản phẩm nội địa ước đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, tăng 7,81%. Thu ngân sách đạt 287.173 tỉ đồng (đạt 71,95% dự toán).
Tuy nhiên, một vấn đề làm cho Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân còn trăn trở là trong khi các ngành tăng trưởng khá thì bốn ngành công nghiệp chủ lực lại giảm (cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - công nghệ thông tin), thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn so với toàn ngành công nghiệp. “Đây là vấn đề phải suy nghĩ” - ông Nhân nói.
Ngoài ra, ông Nhân cũng yêu cầu từ nay đến cuối năm cần tập trung thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư công, các sở, ngành phải thực hiện cam kết từ nay đến cuối năm phải giải ngân được trên 90%. Ông Nhân cũng đề nghị chính quyền các cấp tập trung hỗ trợ DN phát triển, khuyến khích việc tiêu thụ hàng hóa.
Liên quan đến thực hiện Quy định 1374, ông cho hay: Thông qua việc tiếp nhận và xử lý tin báo, đã phải xử lý 102 đảng viên. “Đây là điều đáng tiếc, so với cùng kỳ năm ngoái là kỷ luật 59 đảng viên, như vậy năm nay gấp đôi. Điều này thể hiện vai trò phát hiện của người dân” - ông Nhân nói.
Những tháng cuối năm, ông Nhân đề nghị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy rà soát, đánh giá mức độ thực hiện Quy định 1374 của các quận, huyện. Điều này để tránh việc để sót việc xử lý kỷ luật.
Kỷ luật bốn tổ chức, 102 đảng viên Báo cáo tại hội nghị về kết quả thực hiện Quy định 1374 của Ban Thường vụ Thành ủy trong chín tháng đầu năm 2019, ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, cho biết tổ công tác 1374 đã tiếp nhận thông tin phản ánh khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, nhân dân và cơ quan báo chí. Nội dung phản ảnh về thực hiện chức trách nhiệm vụ công vụ, nguyên tắc tập trung dân chủ, tổ chức cán bộ, khiếu nại tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng, chống tham nhũng lãng phí. Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra vi phạm đối với sáu vụ việc tại Quận ủy quận Thủ Đức, Chi bộ Trung tâm huấn luyện thi đấu thể dục thể thao TP, Đảng bộ Trường Quản lý giáo dục, Đảng ủy Sở Xây dựng, huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi. Kết quả, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cách mọi chức vụ trong Đảng đối với một đảng viên, cảnh cáo đối với hai đảng viên. Từ đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã yêu cầu cấp ủy liên quan kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên theo các mức độ vi phạm. Về kết quả xử lý kỷ luật, trong chín tháng đầu năm có 19/65 cấp ủy đã chỉ đạo xử lý các tập thể, cá nhân vi phạm. Theo đó, đã thi hành kỷ luật đối với bốn tổ chức đảng và 102 đảng viên (khiển trách 67, cảnh cáo 23, cách chức bốn và khai trừ tám đảng viên). Về mặt chính quyền, đã thi hành kỷ luật đối với 75 người, trong đó khiển trách 40 người, cảnh cáo 13 người, giáng cấp hoặc chuyển vị trí công tác 13 người, cách chức ba người, buộc thôi việc sáu người và chuyển cơ quan xử lý trách nhiệm hình sự ba người. Theo ông Hiếu, các cán bộ, đảng viên vi phạm chủ yếu là về chức trách trong thực hiện công vụ ở các lĩnh vực đất đai, tài chính, tài sản công… |