|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP HCM dự kiến thu hồi, đấu giá đất hai bên công trình hạ tầng

11:02 | 22/02/2021
Chia sẻ
Theo đề án vừa được phê duyệt, nhà nước dự kiến thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá, phần vốn thu về sẽ đầu tư cho chính dự án hạ tầng đó.

Mới đây, UBND TP HCM vừa phê duyệt đề án "Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả", trong đó có nội dung đấu giá quỹ đất hai bên đường, nguồn vốn thu về để đầu tư hạ tầng, Báo Thanh Niên đưa tin.

Theo đề án này, nhà nước sẽ thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá. Người dân có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ. Diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án hạ tầng đó.

Các phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số người dân bị ảnh hưởng đồng ý (khoảng 2/3) thì phương án sẽ được phê duyệt. Trong trường hợp thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn: Hoặc chấp thuận phương án hoặc bị nhà nước thu hồi đất.

TP HCM dự kiến thu hồi, đấu giá diện tích đất liền kề công trình hạ tầng  - Ảnh 1.

Người dân gấp rút bàn giao mặt bằng cho dự án Metro 2 vào cuối năm 2020. (Ảnh: Minh Hằng).

Nội dung này được đưa ra trên cơ sở khi nhà nước đầu tư dự án mở đường, những hộ bị giải phóng mặt bằng không được lợi. Ngược lại, các hộ dân kề bên dự án và không thuộc diện giải phóng mặt bằng hưởng lợi từ việc đất tăng giá.

Trong khi đó, Nhà nước không có cơ chế thu lại khoản chênh lệch từ việc tăng giá đất này. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp khi dự án được triển khai, các hộ dân khiếu kiện, tố cáo vì cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ không tương xứng giá đất thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng từng cho rằng, câu chuyện về một số dự án giao thông tại TP HCM được triển khai cách đây hàng chục năm là bài học hết sức quý báu cho công tác đền bù, khai thác quỹ đất.

Thực tế còn cho thấy, cùng một vị trí nhưng nếu doanh nghiệp bồi thường để làm dự án thì thường bồi thường giá cao, còn nhà nước thu hồi để làm các dự án công cộng thì giá bồi thường lại khá thấp.

"Nếu Trung tâm phát triển quỹ đất phát huy đầy đủ vai trò như luật định, bồi thường tất cả dự án với một mức giá như nhau, sau đó đấu giá theo giá thị trường, phần chênh lệch địa tô 100% sẽ được nộp vào ngân sách, thì môi trường kinh doanh bất động sản sẽ minh bạch hơn, người dân bị giải tỏa sẽ bớt thiệt thòi hơn", Chủ tịch HoREA chia sẻ.

Ngọc Anh