|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TP HCM đề xuất WB hỗ trợ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế

21:54 | 17/01/2020
Chia sẻ
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn WB đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ Thành phố hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của cả nước.
TP HCM đề xuất WB hỗ trợ xây dựng trung tâm tài chính quốc tế - Ảnh 1.

Một góc của Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 17/1, tại buổi lễ công bố Báo cáo phát triển Việt Nam 2019 của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ mong muốn WB đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ Thành phố hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế của cả nước.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, mặc dù trong thời gian qua, Thành phố đã có những bước đi tiên phong trong liên kết phát triển, tuy nhiên xét về quy mô kinh tế của thành phố vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Thành phố vẫn là một nền kinh tế nhỏ, với quy mô 58 tỷ USD. Do đó, dù tăng trưởng cao hàng năm, tốc độ quy mô kinh tế của Thành phố còn thấp, vẫn còn khoảng cách khá xa so với quy mô kinh tế các đô thị lớn trong khu vực.

Ông Phong cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này; trong đó, nguyên nhân chính là thành phố có điểm xuất phát thấp, sự kết nối còn lỏng lẻo, hạ tầng của thành phố chưa đạt chuẩn và chưa kết nối hạ tầng khu vực. 

Thêm vào đó, một số hành lang thương mại quan trọng và các cửa ngõ đang ngày càng tắc nghẽn.

Việc tham gia chuỗi giá trị trong nước và quốc tế còn thấp nên cạnh tranh kém ngay cả trên sân nhà; dịch vụ logistic còn yếu và thiếu, chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài…

Do đó, ngoài các kiến nghị dành cho Việt Nam, đại diện Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn WB, các chuyên gia có những kiến nghị, giải pháp hữu hiệu mang tính căn cơ để khắc phục những tồn tại hạn chế trong việc kết nối của thành phố hiện nay.

Đồng thời, có các chuyên đề về thành phố để giúp thành phố phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Hiện dư địa tăng trưởng kinh tế Thành phố vẫn còn nhiều, việc tăng trưởng trên 8,5% là hoàn toàn có thể.

“Với quan điểm, thành phố phát triển sẽ đóng góp nhiều hơn cho đất nước, Thành phố đang kiến nghị Trung ương xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh trong chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021-2030.

Do đó, với vị thế là một tổ chức tài chính lớn nhất thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn WB đẩy mạnh các hoạt động kết nối nhằm tiếp tục duy trì vị thế đầu tàu kinh tế, để hiện thực hóa mục tiêu tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh,” ông Phong nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, việc liên kết kết nối là cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. 

Từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện cũng như tạo khả năng để chống chọi, phục hồi nhất là trong bối cảnh Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình thương mại quốc tế và tiêu dùng nội địa cùng với rủi ro thiên tai ngày càng tăng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu kết nối trong tương lai của Việt Nam.

Nâng cấp hệ thống kết nối, không chỉ bao gồm kết cấu hạ tầng mà còn cả dịch vụ vận tải và logistics, bằng chính sách và đầu tư đúng sẽ giúp Việt Nam tiến xa hơn trong việc tăng cường hội nhập, phát triển bao trùm và nâng cao khả năng chống chịu.

Báo cáo nhấn mạnh các bước Việt Nam có thể thực hiện để giải quyết tình trạng phân mảnh trong kết nối nhằm tạo thuận lợi hơn cho giao thương quốc tế.

Báo cáo cũng đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện khả năng chống chịu, mức độ tin cậy của hệ thống giao thông và đảm bảo những khu vực tụt hậu nhất cũng có kết nối.

Báo cáo Phát triển Việt Nam là chuỗi báo cáo và phân tích chính sách chủ đạo do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Báo cáo năm nay được biên soạn với sự hỗ trợ từ Chính phủ Australia, trong khuôn khổ giai đoạn 2 Chương trình Đối tác chiến lược giữa Australia và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (ABP2).

H.Chung

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.