|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Toyota Việt Nam giao Avanza MT trở lại

20:45 | 26/01/2024
Chia sẻ
Avanza MT được giao đến đại lý trở lại từ 26/1, khi Toyota Việt Nam nhận hướng dẫn từ hãng mẹ và báo cáo các cơ quan quản lý.

Toyota Việt Nam (TMV) cũng cho biết, Avanza MT được xác nhận đạt các tiêu chuẩn về an toàn và bảo vệ môi trường bởi cơ quan chứng nhận độc lập ở nước ngoài.

Trước đó, hồi giữa tháng 12, trong bê bối gian lận chứng nhận chất lượng xe của Daihatsu, tập đoàn Toyota cho biết thị trường Việt Nam có một mẫu xe bị ảnh hưởng là Avanza MT, sử dụng nền tảng do Daihatsu phát triển (DNGA).

Điều tra của Toyota/Daihatsu, dưới sự giám sát của Ủy ban độc lập thuộc bên thứ ba, cho biết có một chi tiết dạng tấm phẳng được gắn tại vị trí tấm hướng gió sau của mẫu Avanza MT, làm tăng lực cản gió. Thay đổi này làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm khí thải, tiêu thụ nhiên liệu.

Liên quan tới vấn đề này, TMV đã chủ động dừng giao xe Avanza MT tới đại lý từ 20/12. Đến nay, sau hơn một tháng, hãng cho biết từ kết quả kiểm nghiệm lại cũng như xe được chứng nhận đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn Việt Nam trước khi bán ra thị trường, liên doanh Nhật giao xe trở lại cho đại lý và khuyến cáo khách hàng sử dụng xe Avanza MT bình thường.

Một mẫu Avanza MT lăn bánh ở Việt Nam. (Ảnh: TMV).

Việt Nam là thị trường tiếp theo ở Đông Nam Á sau Indonesia, Malaysia nối lại các hoạt động sản xuất, giao hàng đối với các mẫu xe nằm trong diện ảnh hưởng từ bê bối của Daihatsu. Hai quốc gia láng giềng cũng xác định các mẫu xe này vẫn đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật trước khi bán ra thị trường.

Thế hệ hiện hành của Avanza bán ở Việt Nam vào 2022 bằng hình thức nhập khẩu từ nhà máy ở Indonesia. Đến cuối 2022, Avanza được TMV lắp ráp tại nhà máy ở Vĩnh Phúc. Những mẫu xe cũng sử dụng nền tảng của Daihatsu và bán dưới tên Toyota là Veloz ở phân khúc MPV, Wigo phân khúc hatchback cỡ A, Raize phân khúc CUV cỡ A+, Yaris Cross phân khúc CUV cỡ B.

Toyota muốn phát triển thị trường xe cỡ nhỏ bằng cách tận dụng hãng con Daihatsu. Năm 2016, Toyota hoàn tất việc sở hữu toàn bộ cổ phần Daihatsu và ba năm sau, hãng ra mắt nền tảng DNGA (Daihatsu New Global Architecture). Nền tảng này sẽ được sử dụng cho các mẫu xe giá rẻ (entry-level), thuộc các phân khúc cỡ nhỏ như keicar, A, B, MPV (cỡ B), phục vụ cho thị trường Nhật Bản và những thị trường mới nổi, đặc biệt khu vực Đông Nam Á.

Bê bối gian lận chứng nhận chất lượng xe của Daihatsu khởi phát từ tháng 4/2023. Sự việc này ảnh hưởng tới 64 mẫu xe, trong đó có gần 20 mẫu được bán dưới thương hiệu Toyota. Đến tháng 12 cùng năm, Toyota cho biết hãng con Daihatsu dừng mọi hoạt động vận chuyển với tất cả các xe từ các nhà máy trên toàn cầu.

Toyota Nhật Bản/Daihatsu Nhật Bản tiến hành điều tra thêm dưới sự giám sát của Cơ quan Quản lý thử nghiệm độc lập thuộc bên thứ ba. Cuộc điều tra còn phát hiện thêm những gian lận khác. Ví dụ, các thiết bị túi khí được Daihatsu sử dụng trong các thử nghiệm túi khí của một số mẫu có khác biệt so với túi khí trên những xe bán ra thị trường. Bên cạnh đó là các gian dối khác như tốc độ thử nghiệm va chạm không đúng chuẩn, gian lận khí thải, báo cáo giả mạo về tác động tới tựa đầu ghế.

Thành Nhạn