|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Toyota trước nguy cơ bị lung lay ngôi vương ở Việt Nam

10:02 | 05/02/2020
Chia sẻ
Nghỉ Tết vừa xong, ngày 3-2, Toyota Việt Nam cùng hệ thống đại lý Toyota công bố áp dụng ưu đãi cho khách hàng mua xe Corolla Altis, Innova, Fortuner trong tháng này với ưu đãi hỗ trợ phí trước bạ tương đương lên đến 85 triệu đồng/xe.
Toyota trước nguy cơ bị lung lay ngôi vương ở Việt Nam - Ảnh 1.

Tốp 5 thương hiệu ô tô có lượng xe con bán ra nhiều nhất năm 2019. Ảnh: Hùng Lê

Động thái này của Toyota được xem là không mấy bất ngờ trước bối cảnh thương hiệu ô tô này không còn mấy an toàn với vị trí 'ngôi vương' ở thị trường trong nước.

Toyota có an toàn với 'ngôi vương'?

Trên thực tế, thời thế đã thay đổi khi mà thị trường ô tô không những có đến hàng chục thương hiệu để lựa chọn, mà đáng chú ý thói quen của người tiêu dùng trong nước đã và đang thay đổi đáng kể, không còn chú trọng nhiều vào một vài thương hiệu hay 'sức bền' giữ giá xe của thương hiệu đó.

Những năm trước đây, đa phần các dòng ô tô mang thương hiệu Nhật đều được người dùng đánh giá cao về độ bền, khả năng giữ giá cao khi bán lại,... 

Nhờ đó mà các mẫu xe của Toyota, Honda,... được ưu chuộng. Đáng chú ý, giống như Honda luôn được nhiều người tiêu dùng trong nước quen khi nói về xe máy, thì thương hiệu Toyota nhiều năm qua cũng được nhiều người ưu tiên khi chọn mua ô tô.

Vài năm gần đây, vị trí dẫn đầu thị trường ô tô trong nước của Toyota bị đe dọa, khi mà các thương hiệu ô tô đồng hương với Toyota đã kịp chuyển đổi với xu hướng tiêu dùng đang thay đổi nhanh ở thị trường trong nước đòi hỏi không chỉ bền mà phải đẹp và 'thời trang' hơn, nhiều tiện nghi khác,...

Đáng chú ý là các thương hiệu ô tô đến từ Hàn Quốc như Hyundai và Kia đã không chỉ cải tiến về độ bền mà thay đổi đáng kể về mẫu mã, thiết kế - khâu mã một số hãng xe Nhật được đánh giá là rất chậm thay đổi - cùng với việc gia tăng hỗ trợ lắp đặt nhiều phụ kiện rất tiện ích với giá cả cạnh tranh, đã giúp cho thị phần của hai hãng xe đến từ xứ kim chi này tăng nhanh đang kể trong những năm qua.

Toyota trước nguy cơ bị lung lay ngôi vương ở Việt Nam - Ảnh 2.

Lượng xe bán ra của thương hiệu Hyundai đã vượt qua Toyota. Ảnh: Hùng Lê

Lấy kết quả kinh doanh của năm 2019 cho thấy dù báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất Việt Nam (VAMA) công bố Toyota là thương hiệu có lượng ô tô bán ra nhiều nhất đạt tổng cộng 79.328 xe, nhưng đây chỉ là vị trí dẫn đầu giữa các thành viên của VAMA.

Trên thực tế, "ngôi vương" dẫn đầu thị trường trong nước này của Toyota vào năm ngoái đã bị soán ngôi, bởi báo cáo của thương hiệu xe Hyundai do TC Motor phân phối và lắp ráp ở Việt Nam (không phải là thành viên của VAMA) có lượng bán ra đạt 79.568 xe, tăng đến 25% so với năm trước đó (mức tăng chung toàn thị trường chỉ 12%), cao hơn lượng xe Toyota bán ra cùng thời gian này là 240 xe.

Tuy nhiên, nếu xét riêng về xe du lịch (hay thường gọi là xe con), thì thương hiệu Toyota năm qua vẫn dẫn đầu thị trường trong nước với lượng tiêu thụ đạt 78.795 xe con (không tính Toyota Hiace - xe thương mại). 

Trong khi đó, loại trừ xe thương mại với 9.652 xe do TC Motor phân phối, thì thương hiệu xe con Hyundai bán được trong năm qua còn lại là 69.916 xe, đứng ở vị trí thứ hai. Dù Toyota vẫn bỏ xa đối thủ Hyundai hơn 10.000 xe du lịch, nhưng tốc độ tăng trưởng của Toyota trong năm qua chỉ là 20%, trong khi Hyundai tăng đến 25%.

Với chiều hướng này, giới phân tích cho rằng nguy cơ giữ "ngôi vương" với dòng xe con của Toyota ở thị trường Việt Nam là không còn an toàn không chỉ đối với Hyundai đang bám sát đuôi mà cả ở các thương hiệu ô tô khác, nếu Toyota chậm thay đổi hoặc có chiến lược kinh doanh mới.

Qui mô thị trường đã đạt bao nhiêu xe?

Toyota trước nguy cơ bị lung lay ngôi vương ở Việt Nam - Ảnh 3.

Tốp 3 doanh nghiệp có lượng xe ô tô bán ra nhiều nhất. Trong đó, Thaco phân phối nhiều thương hiệu gồm: Mazda, Kia, Peugeot, xe bus và xe tải các loại... Ảnh: Hùng Lê

Không ít người thời gian qua tin rằng con số hơn 322.000 ô tô được bán ra của Hiệp hội các nhà sản xuất Việt Nam (VAMA) công bố gần đây về lượng bán hàng năm 2019 là quy mô của toàn thị trường ô tô trong nước đạt được. 

Tuy nhiên, đây chưa phải là kết quả cuối cùng bởi lẽ kết quả bán hàng do VAMA cung cấp chỉ là tổng hợp lượng bán hàng của các thành viên của hiệp hội này, trong khi có một số doanh nghiệp lắp ráp và kinh doanh ô tô khác không phải là thành viên của VAMA cũng có lượng bán hàng rất đáng kể như Hyundai góp đến gần 80.000 xe nói trên.

Và mới đây, nhà lắp ráp sản xuất ô tô trong nước VinFast thuộc Vingroup (không phải là thành viên VAMA) cũng công bố số liệu bán hàng tổng hợp của công ty này năm 2019 với hơn 17.000 ô tô được khách hàng đặt mua.

Cụ thể năm ngoái, VinFast mới chính thức gia nhập thị trường ô tô với dòng xe Fadil thuộc phân khúc A và dòng xe Lux thuộc phân khúc E, gồm hai mẫu Lux A2.0 (sedan) và Lux SA2.0 (SUV). Tổng đơn hàng VinFast nhận được cho cả ba mẫu xe là 17.214 chiếc, trong đó đã sản xuất được 15.300 xe.

Như vậy, chỉ tính lượng bán hàng của VinFast và TC Motor thì đã đóng góp cho thị trường năm 2019 thêm gần 100.000 xe, nâng tổng lượng xe bán ra trên toàn thị trường là khoảng 419.000 xe. Đó là chưa kể một số thương hiệu ô tô nhập khẩu nguyên chiếc khác như Audi, Volkswagen, Bentley, Porsche, BMW...

Trên thực tế, tính riêng từng thương hiệu này thì lượng tiêu thụ cũng không nhiều. Tuy nhiên, nếu tổng hợp tất cả các thương hiệu ô tô chưa cung cấp số liệu nói trên, giới kinh doanh lâu năm trong ngành ước chừng đạt thêm từ 10.000 - 15.000 xe nữa. Tính ra, quy mô thị trường trong nước hiện đã đạt 430.000- 435.000 xe, một con số kỷ lục từ trước đến nay.

Theo các chuyên gia, lượng tiêu thụ xe hơi Việt Nam có tăng cao song quy mô vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines. 

Thái Lan hiện có sản lượng hơn 2,5 triệu xe/năm và tiêu thụ xe gần 2 triệu xe/năm; hay Indonesia cũng có lượng tiêu thụ lên đến hàng triệu chiếc/năm; lượng tiêu thụ xe ở Malaysia, Philippines có thấp hơn những vẫn cao hơn Việt Nam.

Quy mô thị trường nhỏ, chi phí sản xuất, công lắp ráp cao nên xe trong nước lắp ráp vẫn có giá thành cao hơn từ 10% đến 20% so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, đây là hai yếu tố tạo rào cản để thị trường xe trong nước.

Đáng chú ý, sự mong chờ của người dân sở hữu ô tô với giá phải chăng chưa thành sự thật. Bởi lẽ dù giá xe tại Việt Nam có giảm, nhưng mức giảm rất thấp và để lăn bánh chiếc xe, người dân vẫn bỏ ra vài năm thu nhập mới đủ để trả chi phí chiếc xe.

Ở thị trường xe nhập, các dòng xe nhập về Việt Nam từ các nước như Thái Lan, Indonesia phần lớn thuế nhập khẩu đã về 0%, nhưng khi về Việt nam các mẫu xe nhập được các hãng, đại lý nâng giá để phù hợp với mức giá sàn, để tối đa hoá lợi nhuận.

 Mặt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh cao cùng với các khoản phí khác đưa vào ô tô cũng là nguyên nhân mà nhiều người Việt vẫn khó tiếp cận xe ô tô hiện nay.

Hùng Lê

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.