|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

TOP 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất 9 tháng đầu năm 2024: Vietcombank, Techcombank và MB dẫn đầu

11:15 | 31/10/2024
Chia sẻ
Lợi nhuận ngân hàng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng vào quý III trong bối cảnh biên lãi thuần phục hồi. Tuy nhiên, sự phân hóa về kết quả kinh doanh giữa các ngân hàng ngày càng rõ nét.

 

Báo cáo tài chính từ 28 ngân hàng (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và BaoViet Bank) cho thấy lợi nhuận ngành này tiếp tục tăng tốc so với cùng kỳ trong quý III. 

Nếu tính riêng quý III, lợi nhuận trước thuế của những ngân hàng trên đã tăng trưởng 18% so với cùng kỳ, mang về 70.143 tỷ đồng. Trước đó trong quý II, 28 ngân hàng trên đem về lợi nhuận 76.100 tỷ đồng. Như vậy, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng đã có dấu hiệu chậm lại trong quý III so với quý liền trước, khi biên lãi thuần (NIM) chịu bắt đầu chịu áp lực từ chi phí huy động cao hơn. 

Mặc dù vậy, xét lũy kế 9 tháng, các ngân hàng đã đem về 218.345 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ. Trước đó, trong cả năm 2023, lợi nhuận các ngân hàng chỉ tăng trưởng khoảng 5% và có thời điểm còn giảm so với cùng kỳ năm trước. 

Vietcombank tiếp tục duy trì vị trí quán quân với lợi nhuận trước thuế đạt 31.533 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Ông lớn này đã tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận trong quý III nhờ việc cắt giảm gần 80% chi phí dự phòng. Ngoài ra, thu nhập lãi thuần phục hồi cũng hỗ trợ cho lợi nhuận trước thuế của Vietcombank. 

Nhờ kết quả thuận lợi trong cả mảng tín dụng và thu ngoài lãi, Techcombank đã vươn lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng lợi nhuận 9 tháng. Ngân hàng này thu về 22.842 tỷ đồng sau ba quý, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước. 

BIDV đứng vị trí thứ ba với lợi nhuận 22.047 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ. Trong quý III, nhờ việc cắt giảm chi phí dự phòng, BIDV đã duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận. 

Trong khi đó, MB tụt xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng với lợi nhuận 20.736 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Trong quý III, thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi của MB tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro cao hơn đã khiến lợi nhuận gần như đi ngang. 

VietinBank đứng vị trí thứ 5, với lợi nhuận 19.513 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận VietinBank duy trì đà tăng trưởng mạnh trong quý III nhờ thu nhập lãi thuần và thu nhập đột biến từ các khoản nợ đã được xử lý rủi ro. 

Những vị trí còn lại trong TOP 10 lần lượt thuộc về ACB, VPBank, HDBank, SHB và LPBank. Trong đó, VPBank đã có sự cải thiện đáng kể, tăng từ vị trí thứ 10 lên hạng 7. Ở chiều ngược lại, SHB từ vị trí số 8 tụt xuống hạng 9. VIB rời khỏi Top 10, rơi xuống vị trí thứ 12. Trong khi đó, LPBank lọt vào top 10 nhờ mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 139%, cao thứ hai toàn ngành. 

Trong danh sách này, có 20/28 ngân hàng báo cáo lợi nhuận tăng trưởng dương. Xét về giá trị tuyệt đối, ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận nhiều nhất là Techcombank, thêm hơn 5.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Kế đến là VPBank, với mức tăng 5.600 tỷ đồng và LPBank với mức tăng 5.100 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lợi nhuận trước thuế của của VIB đã giảm hơn 1.700 tỷ đồng so với cùng kỳ, lợi nhuận OCB cũng giảm gần 1.400 tỷ đồng. Xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, BVBank (Bản Việt) đang dẫn đầu, tăng 198% so với cùng kỳ, tiếp đến là LPBank (tăng 139%) và Vietbank (tăng 96%).

Nhìn chung, thu nhập lãi thuần tăng so với cùng kỳ do biên lãi thuần (NIM) phục hồi, tín dụng tăng tốc và chi phí dự phòng giảm là nguyên nhân chính hỗ trợ cho lợi nhuận của ngân hàng. Trong khi đó, các nguồn thu khác như ngoại hối, dịch vụ trong quý III tăng trưởng không quá mạnh hoặc đi lùi ở nhiều ngân hàng.

Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng không còn kết quả đột biến như hai quý cuối cùng của năm ngoái khi lợi suất trái phiếu Chính phủ đi xuống. Ngoài ra, thu nhập từ các khoản nợ đã được xử lý rủi ro ở phần lớn ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu tăng tốc.  

 

Minh Quang