|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tháo gỡ điểm nghẽn, mở rộng không gian phát triển

20:00 | 20/10/2024
Chia sẻ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu tập trung rà soát, sửa đổi các quy định với tinh thần tháo gỡ triệt để điểm nghẽn, rào cản, cải cách thủ tục hành chính.

Sáng 20/10, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói "với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh".

Để đạt mục tiêu trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng trước hết cần thống nhất trong toàn Đảng về quyết tâm chính trị thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, hoàn thành mọi mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Chính phủ, người đứng đầu bộ ngành, địa phương thực sự quyết tâm để thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; đạt các chỉ tiêu, nhất là GDP.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu tập trung triển khai ngay một số đột phá đã được Trung ương thống nhất đưa vào văn kiện Đại hội 14.

Với đột phá về thể chế, người đứng đầu Đảng, Nhà nước yêu cầu lan tỏa mạnh mẽ tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Các bộ ngành tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định với tinh thần tháo gỡ triệt để điểm nghẽn, rào cản, cải cách triệt để thủ tục hành chính, mở rộng không gian phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Các địa phương đánh giá thấu đáo khả năng tự chủ để đề xuất cụ thể việc phân cấp, phân quyền, bảo đảm đáp ứng cao nhất yêu cầu của thực tiễn phát triển.

Ông Tô Lâm yêu cầu sau hội nghị này, các cấp có kế hoạch cụ thể, tập trung thực hiện. Bộ Chính trị sẽ sớm nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia; các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực, trí lực, chuẩn bị nhân lực, tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt.

Những mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội cần tập trung hoàn thành, trước hết là giao thông, năng lượng, hạ tầng số. Từ kinh nghiệm thực hiện dự án đường dây 500kV mạch 3, ông Tô Lâm yêu cầu các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án trọng điểm cần đẩy nhanh, đảm bảo tiến độ trong mọi tình huống, "tốt nhất là rút ngắn tiến độ". Các đơn vị triển khai chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam sớm nhất, hiệu quả nhất.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Công tác tổ chức cán bộ cũng cần có những quyết sách đổi mới mạnh mẽ, trọng tâm là tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội. Bộ máy, tổ chức các cơ quan đảng cần tinh gọn, thực sự là hạt nhân trí tuệ, "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu cần đủ năng lực, uy tín.

Để chuẩn bị đại hội đảng bộ tiến tới Đại hội 14 của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu mỗi địa phương cần xác định rõ giải pháp xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa gắn với con người xã hội chủ nghĩa ở từng địa phương. Hải Phòng, Đà Nẵng đi đầu để rút kinh nghiệm, nhân rộng ra cả nước.

Những vấn đề mới từ thực tiễn đang nổi lên cần các cấp ủy đóng góp ý kiến xây dựng văn kiện Đại hội, như: Quản trị quốc gia và quản trị địa phương; nâng cao năng lực tự lực, tự cường; quan hệ giữa tư duy quản lý và phát triển; cách thức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả, chống lãng phí; đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật.

Để chuẩn bị tốt nhất nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý chú trọng đào tạo, thử thách nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy để lựa chọn được người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung.

Việt Nam đủ điều kiện làm đường sắt tốc độ cao

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền đạt chuyên đề về nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách và chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam. Đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược để Việt Nam phát triển hạ tầng, tạo không gian phát triển mới, giá trị gia tăng mới cho đất nước. Dự án cũng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi và tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, hình thành các khu đô thị mới.

Mười năm trước, khi chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao được đưa ra bàn thảo, Việt Nam còn nhiều khó khăn. Khi đó, GDP Việt Nam mới đạt hơn 100 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 1.600 USD. Năm 2023, GDP Việt Nam đã đạt 430 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.284 USD. Vì vậy, Thủ tướng khẳng định Việt Nam có dư địa để làm đường sắt tốc độ cao.

Thủ tướng cho biết dự án đường sắt tốc độ cao sẽ dùng nguồn lực trung ương, địa phương, nguồn đi vay, phát hành trái phiếu, hợp tác công tư. "Chúng ta có đủ điều kiện để làm và phải quyết tâm làm", ông nói, dẫn chứng thế giới đã phát triển đường sắt cao tốc rất nhanh. Riêng Trung Quốc hiện đã có 47.000 km đường sắt cao tốc và mỗi năm xây thêm được 3.000 km.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao. Vì vậy, Thủ tướng cho rằng cần có cách làm mới, từ đổi mới quản trị, quản lý, huy động nguồn lực để làm dự án, đồng thời tránh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. "Đây là công trình mang tính biểu tượng của đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông nói.

Đại biểu dự Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, sáng 20/10. (Ảnh: Nhật Bắc)

Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, truyền đạt chuyên đề "Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội 14 của Đảng và dự thảo Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam".

Ông Lê Minh Hưng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, truyền đạt chuyên đề "Những nội dung trọng tâm, cốt lõi, điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII; một số nội dung cơ bản về sửa đổi Quy chế bầu cử trong Đảng; về tổng kết công tác nhân sự Đại hội 13 và xây dựng phương hướng công tác nhân sự Đại hội 14 của Đảng".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Viết Tuân

Quốc hội sẽ khai mạc vào sáng 21/10, dự kiến bầu Chủ tịch nước
Theo dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc trọng thể. Đồng thời, công tác nhân sự sẽ được thực hiện ngay trong ngày. Trong đó, có việc giới thiệu nhân sự đủ điều kiện để trình Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước.