|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tôn Đông Á trước khi đăng ký niêm yết gần 115 triệu cổ phiếu: Thị phần số 2 ngành tôn, lợi nhuận mỗi quý hơn 200 tỷ

14:53 | 28/04/2022
Chia sẻ
Tôn Đông Á hiện nay là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn thứ 2 ngành tôn mạ Việt Nam, chỉ sau Tập đoàn Hoa Sen.

Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tôn Đông Á tại đại hội cổ đông năm 2020. (Ảnh: Tôn Đông Á).

Đăng ký niêm yết sau khi IPO

Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 114,69 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Tôn Đông Á vào ngày 22/4. Công ty Chứng khoán SSI là đơn vị tư vấn.

Trước khi đăng ký niêm yết, Tôn Đông Á đã thực hiện đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và hoàn tất trong tháng 3.

Hồi tháng 1, Tôn Đông Á thông báo sẽ chào bán gần 12,37 triệu cổ phiếu trong đợt IPO, các cổ đông hiện hữu chào bán 2,98 triệu cổ phiếu, tổng cộng là 15,35 triệu đơn vị. Giá chào bán tối thiểu là 58.000 đồng/cp.

Đến tháng 2, trong bối cảnh giá các cổ phiếu thép trên thị trường chứng khoán giảm sâu, công ty đã giảm giá chào bán tối thiểu xuống còn 40.000 đồng/cp. Tất cả 15,35 triệu cổ phiếu trong đợt IPO đều được bán hết với mức giá 40.000 đồng/cp. Tôn Đông Á thu về gần 495 tỷ đồng, còn các cổ đông nhận được hơn 119 tỷ.

 

Sau đợt IPO thành công, Tôn Đông Á đã trở thành công ty đại chúng và đủ điều kiện để đăng ký niêm yết. Vốn điều lệ của công ty tăng từ 1.023 tỷ đồng lên 1.147 tỷ nhờ đợt IPO này. Thống kê dưới đây cho thấy vốn điều lệ Tôn Đông Á hiện nay cao gấp gần 10 lần con số năm 2009.

Các đợt tăng vốn của công ty chủ yếu được thực hiện bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ hoặc phát hành ESOP cho cán bộ nhân viên.

Tôn Đông Á tăng vốn bằng cách trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ hoặc phát hành ESOP.

Trong tổng số gần 115 triệu cổ phiếu đang lưu hành, khoảng 53,2 triệu đơn vị được chuyển nhượng tự do, số còn lại bị hạn chế chuyển nhượng.

Cổ đông lớn nhất của Tôn Đông Á hiện nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thanh Trung đang nắm giữ 32,6% vốn điều lệ công ty, tương đương gần 37,4 triệu cổ phiếu. Ông Trung đã cam kết nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ công ty trong thời gian tối thiểu một năm kể từ ngày kết thúc đợt IPO.

Vợ ông Trung là bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh cũng là cổ đông lớn và thành viên HĐQT của Tôn Đông Á. Biểu đồ dưới đây cho thấy vợ chồng ông Trung – bà Quỳnh sở hữu hơn 39% tổng số cổ phần Tôn Đông Á đang lưu hành. Một Thành viên HĐQT khác là bà Lê Thị Phương Loan đang nắm giữ 10,7%.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Trung là cổ đông lớn nhất của Tôn Đông Á.

Tôn Đông Á đứng top 2 thị phần

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong quý I năm nay, Tôn Đông Á sản xuất 220.800 tấn tôn mạ và tiêu thụ 226.400 tấn, chiếm 18,1% thị phần. So với các doanh nghiệp khác, Tôn Đông Á chỉ kém Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG).

Kết quả này có nhiều cả thiện so với năm 2021 khi Tôn Đông Á chỉ đứng thứ 3 về thị phần, sau Hoa Sen và Nam Kim (Mã: NKG).

Tôn Đông Á đứng thứ 2 về thị phần tôn mạ trong quý I/2022.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 cho thấy Tôn Đông Á ghi nhận doanh thu thuần 6.314 tỷ đồng, tăng trưởng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lãi gộp đạt 8,57%. Lợi nhuận sau thuế quý vừa qua ghi nhận 204,6 tỷ đồng, tăng 11,4%.

Báo cáo giải trình cho biết công ty đã đẩy mạnh kênh bán hàng nội địa, doanh thu trong nước chiếm 54% doanh thu hợp nhất quý I.

Trong cả năm 2021, Tôn Đông Á đạt doanh thu thuần 25.262 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.210 tỷ, tăng trưởng lần lượt 104% và 323% so với năm trước. Kết quả khởi sắc này có được là do công ty đẩy mạnh kênh bán hàng xuất khẩu, doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 55% tổng doanh thu hợp nhất cả năm, giá bán thị trường xuất khẩu tốt.

Tổng giá trị tài sản tại ngày 31/3/2022 là gần 15.400 tỷ đồng, tăng 21,8% so với cuối năm 2021. Tài sản dài hạn chiếm 21,3% tổng tài sản, nợ phải trả chiếm gần 74% tổng nguồn vốn. 

Đức Quyền