|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tôm càng đỏ là loài có hại, bị cấm bán ở Việt Nam

07:02 | 18/05/2019
Chia sẻ
Tôm càng đỏ (tôm hùm đất) được đưa vào Việt Nam dưới dạng thực phẩm ở khá nhiều địa phương thời gian gần đây. Bộ NN&PTNT khẳng định đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai có hại và không được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Tôm càng đỏ là loài có hại, bị cấm bán ở Việt Nam - Ảnh 1.

Tôm càng đỏ (tôm hùm đất) được rao bán khá nhiều trên mạng xã hội nhưng thực tế loài tôm càng đỏ không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam - Ảnh: N. LAN

Chiều 17-5, bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường vừa có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố, tổng cục hải quan, quản lý thị trường yêu cầu tăng cường kiểm soát tăng cường tôm càng đỏ (tôm hùm đất) tại Việt Nam.

Theo đó, thời gian gần đây tôm càng đỏ được đưa vào sử dụng ở Việt Nam dưới dạng thực phẩm ở khá nhiều địa phương. Mặt hàng này hiện được rao bán rộng rãi trên mạng xã hội, giá 220.000 - 350.000 đồng/kg.

Theo Bộ NN&PTNT, đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai có hại, ăn tạp sống bò dưới đất, ưa đào hang, hoạt động về đêm có sức chống chịu và thích nghi cao. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.

Trước tình trạng tôm càng đỏ được nhập và rao bán tràn lan trên thị trường, Bộ NN&PTNT khẳng định loài tôm càng đỏ không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Đình Luân - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - cho biết để tránh tác động đến sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố và cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các trường hợp vi phạm.

"Khi phát hiện tôm càng đỏ phát tán ra ngoài môi trường phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm càng đỏ theo quy định của pháp luật. Giống như trường hợp cuối năm 2016 tại Đồng Tháp, chúng ta phải bao vây tiêu diệt và xử phạt, phun thuốc diệt trùng, đảm bảo không có con nào còn sống ở môi trường bên ngoài", ông Luân nói

Bộ NN&PTNT đồng thời yêu cầu tuyên truyền phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp, ngăn chặn sự phát triển của loài này ra môi trường tự nhiên.

Chí Tuệ