Toàn cảnh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm thuộc quản lý của Ban Chỉ đạo Nhà nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể là Phó ban Chỉ đạo.
Các dự án mà Ban Chỉ đạo Nhà nước sẽ quản lý, đẩy nhanh tiến độ gồm các dự án dưới đây.
Đường Hồ Chí Minh
Theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Tuy nhiên đến nay mới hoàn thành 2.362 km đạt hơn 86% và khoảng 258 km tuyến nhánh. Hiện, Bộ GTVT đang triển khai 211Km, còn lại khoảng 171 km chưa thực hiện.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã đề xuất mục tiêu đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn đến năm 2025 sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai.
Cụ thể là triển khai hoàn thành các dự án đang đầu tư và khởi công mới 2 dự án thành phần nối thông tuyến quy mô 2 làn xe với tổng mức đầu tư 22.276 tỷ đồng. Trong đó, đã bố trí được hơn 16.700 tỷ đồng.
Để đảm bảo cân đối đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư 2 dự án thành phần ưu tiên là Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát, cân đối lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ để bố trí đủ 4.450/5570 tỷ đồng cho 2 dự án này.
Giai đoạn sau năm 2025, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634 km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư năm 2017 với chiều dài 654 km, đã khởi công rải rác trong 3 năm 2019, 2020 và 2021, sẽ hoàn thành toàn tuyến vào năm 2023.
Tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với chiều dài 729 km được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường tháng 1/2022 vừa qua, hiện nay đã triển khai lập dự án đầu tư, kiểm đếm, cắm mốc chỉ giới, lập phương án đền bù.
Dự kiến toàn bộ 729 km của tuyến sẽ khởi công trước ngày 31/12/2022, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025, thông toàn bộ tuyến cao tốc Bắc Nam vào năm 2025 với tổng chiều dài là 2063 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành
Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài hơn 57 km đi qua Long An, TP HCM, Đồng Nai, tổng đầu tư hơn 31.000 tỷ đồng, khởi công năm 2014.
Ban đầu dự án tính hoàn thành năm 2019, song gặp nhiều vướng mắc, nhất là về vốn nên nhiều lần lùi thời hạn hoàn thành. Hiện, dự án đạt gần 80% khối lượng.
Với những khó khăn, vướng mắc, chủ đầu tư kiến nghị gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến quý 3/2025 thay vì vào cuối 2023 như kế hoạch đã được duyệt.
Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP HCM
Cả 5 dự án này vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp vừa qua.
Dự kiến, các tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến khởi công tháng 6 năm 2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2026.
Đường vành đai 3 TP HCM và đường vành đai 4 vùng Thủ đô sẽ khởi công vào tháng 6 năm 2023, năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2026.
Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Dự án này từng được đưa ra bàn bạc từ một vài năm trước song vẫn chưa chốt được phương án đầu tư. Đến tháng 4/2021, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục xây dựng báo cáo tiền khả thi dự án.
Tại báo cáo này, Bộ GTVT đưa ra phương án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ đầu tư mới, bắt đầu với đoạn Hà Nội – Vinh và Tp. Hồ Chí Minh – Nha Trang. Vận tốc thiết kế 350 km/h, vận tốc khai thác 320 km/h, chỉ chở khách. Đường sắt hiện hữu được nâng cấp chỉ chở hàng. Tổng vốn đầu tư 58,71 tỷ USD.
Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải dư luận trái chiều. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung phương án nâng cấp đường sắt hiện hữu, khai thác chung tàu hàng và tàu khách, tốc độ chạy tàu từ 160 – 200 km/h.
Thực hiện yêu cầu trên, tư vấn đã bổ sung thêm phương án nâng cấp đường sắt hiện hữu vào Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và trình Bộ Giao thông Vận tải. Theo phương án bổ sung, đường sắt hiện hữu được nâng cấp lên khổ ray 1.435mm, đường đôi, điện khí hóa, khai thác chung tàu hàng và tàu khách, tốc độ dưới 200 km/h.
Phương án này, tư vấn đánh giá sẽ phải giải phóng mặt bằng rất lớn, vì tuyến đường sắt hiện hữu đi qua nhiều khu đô thị, khu dân cư. Cùng với đó, sẽ phải nâng cấp, bổ sung 20 ga hàng, 74 ga xép tránh tàu, 4 điểm depot tàu hàng. Tổng chi phí dự kiến khoảng 56,7 tỷ USD.
Nếu làm đường sắt tốc độ dưới 200 km/h chạy riêng khách và hàng sẽ cần vốn đầu tư khoảng 46 tỷ USD, trong khi làm đường sắt tốc độ cao chạy 350 km/h cao hơn 15 tỷ USD.
Từ các phân tích trên, tư vấn tiếp tục bảo lưu quan điểm nên đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, với tuyến đường mới, tốc độ thiết kế 350 km/h.
Các tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội và TP HCM
Hiện tại cả TP HCM và TP Hà Nội đều đang xây dựng hàng loạt tuyến đường sắt đô thị. Trong khi TP HCM dự kiến làm 8 tuyến metro và hiện vẫn đang vướng mắc tại 2 tuyến đầu tiên là" Bến Thành - Suối Tiên và Bến Thành - Tham Lương thì Hà Nội đã đưa vào sử dụng tuyến Cát Linh - Hà Đông sau 10 năm chờ đợi.
Hiện tại, còn hàng loạt tuyến đường sắt đang xây dựng dở dang và chậm tiến độ như: Nhổn - Ga Hà Nội, Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, tuyến số 5 TP HCM giai đoạn 1...
Tuy nhiên, Hà Nội dự kiến tiếp tục xây dựng thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị gồm: Tuyến số 2 Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Hoàng Quốc Việt dài 21,8 km với 20 ga ngầm.
Tuyến số 3 Khách sạn Daewoo - ga Hà Nội - Kim Ngưu dài 10,9 km với 11 ga. Tuyến số 4 Nguyễn Trãi - Tây Hồ Tây dài 18 km với 18 ga ngầm.
Tuyến số 5 Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - đại lộ Thăng Long dài 6,5 km với 6 ga ngầm.
Tuyến số 7 đô thị mới Nhổn - Vân Canh - Dương Nội - Hà Đông dài 13 km với 13 ga ngầm. Tuyến số 8 Mai Dịch - vành đai 3 - Lĩnh Nam dài 16,3 km với 13 ga ngầm.
Còn TP HCM cũng dự kiến xây dựng các tuyến: Bến Thành - Tân Kiên, Ngã 6 Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước, Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước, Nguyễn Thái Sơn - Ga Lăng Cha Cả, bến xe cần Giuộc mới - cầu Sài Gòn,...
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Là công trình hàng không trọng điểm quốc gia, cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đang được khẩn trương triển khai.
Theo quy hoạch được phê duyệt, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án có diện tích 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750 ha.
Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16 tỷ 30 triệu USD, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Khi hoàn thành, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Hiện tại, Bộ GTVT và ACV đang khẩn trương hoàn thành phê duyệt thiết kế nhà ga, sau đó đấu thầu. Dự kiến khởi công vào tháng 10/2022, và đưa vào hoạt động vào năm 2025.