|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước bán ròng hơn 2.350 tỷ đồng ngay trước tuần nghỉ lễ dài ngày, tập trung xả MWG

18:33 | 30/08/2022
Chia sẻ
Thống kê giao dịch của tổ chức trong nước, họ bán ròng tổng cộng 2.354 tỷ đồng ngay trước tuần nghỉ lễ Quốc khánh, tính riêng kênh khớp lệnh thì họ rút ròng 954 tỷ đồng.

VN-Index tăng 1,06%, ghi nhận tuần tăng điểm thứ 7 liên tiếp và dừng chân tại mốc 1.282,57 điểm. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 15.101 tỷ đồng, giảm 3,56% so với tuần trước đó, tăng 5,27% so với trung bình 5 tuần nhưng giảm 1,3% so với trung bình 20 tuần gần đây.

Vận động luân chuyển tiếp tục ghi nhận rõ ràng khi ngành bán lẻ, hóa chất, hàng cá nhân và gia dụng dẫn đầu với mức tăng lần lượt 10%, 5,1% và 2,4% trong khi các ngành tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính, y tế giảm điểm. Số ngành tăng điểm vẫn áp đảo với 14/19 ngành nhưng thị trường phân hóa mạnh với chỉ 203 cổ phiếu tăng so với 173 cổ phiếu giảm.

Thống kê giao dịch của tổ chức trong nước, họ bán ròng tổng cộng 2.354 tỷ đồng ngay trước tuần nghỉ lễ Quốc khánh, tính riêng kênh khớp lệnh thì họ rút ròng 954 tỷ đồng.

Cổ phiếu hóa chất hút tiền, nhóm ngân hàng bị bán ròng mạnh nhất

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều bán ròng của các tổ chức trong nước áp đảo khi diễn ra ở 15/18 nhóm ngành.

Mặc dù là nhóm giữ vai trò nâng đỡ chỉ số, cổ phiếu của các nhà băng vẫn là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với 331 tỷ đồng, dù tuần trước đó nhóm này vẫn được mua ròng gần 545 tỷ đồng.

Có thể thấy, dòng vốn nội đã chuyển hướng chốt lời cổ phiếu ngân hàng giữa bối cảnh một số cổ phiếu nhóm này đã trở lại thu hút sự chú ý của dòng tiền.

Tương tự, cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ cũng nằm trong Top bán ròng dù là nhóm tăng mạnh nhất tuần. Tuần qua, tổ chức nội đã bán ròng 141 tỷ đồng ngành bán lẻ. Nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch theo tuần tăng mạnh lên 4,28%, mức cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số ngành tăng 9,32%.

Chỉ số dòng tiền tích lũy vào nhóm bán lẻ đang bứt phá mạnh vượt lên trên mức trung bình 1 năm và mang giá trị dương, điều này cho thấy dòng tiền đã quay trở lại mạnh với nhóm này, đủ bù đắp cho lượng tiền rút ra trước đó.

Chỉ số dòng tiền trong mối tương quan với thị đang tịnh tiến về mức đỉnh 1 năm, cho thấy so với thị trường nhóm này thu hút được dòng tiền mạnh. Tuy nhiên, việc tiệm cận mức đỉnh 1 năm cũng có thể là một lực cản với dòng tiền.

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là bất động sản (133 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (113 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (60 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (75 tỷ đồng), công nghệ thông tin (33 tỷ đồng),…

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Chiều ngược lại, ngành hóa chất là một trong ba nhóm được dòng tiền của các tổ chức nội hướng sự chú ý trong tuần 22 – 26/8 với giá trị hơn 60 tỷ đồng.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu hóa chất cũng có tuần giao dịch sôi động hơn với tỷ trọng giá trị giao dịch đã được cải thiện lên 6,16% toàn thị trường, chỉ số giá ngành tăng 4,7%. Dòng tiền tập trung vào các mã DPM, DGC, DCM, AAA, PHR, GVR, CSV, DDV, TSC, HAI trong đó duy nhất HAI giảm điểm. Thống kê của FiinTrade cho thấy ngành hóa chất tuy phục hồi trong tuần nhưng vẫn giảm 17,39% từ đầu năm đến nay.

Hai nhóm còn lại nằm trong nhóm được giải ngân nhưng với giá trị không đáng kể là thực phẩm và đồ uống, truyền thông.

Dòng tiền tổ chức nội tập trung chốt lời MWG cùng loạt bluechip

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu SSB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á. Mã này dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất với 73,5 tỷ đồng.

Tuần qua, SSB lọt Top3 trong danh mục tăng giá của dòng ngân hàng với tỷ lệ 3,7%. Hết phiên thứ Sáu, mã này dừng tại 32.400 đồng/cp.

Trên thị trường chứng khoán, đồ thị giá của SSI vẫn đang trong quá trình tích lũy quanh vùng đỉnh 1 năm.

Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 50,3 tỷ đồng cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP. Cùng chiều, dòng tiền tổ chức trong nước cũng thực hiện gom ròng VHC (49,2 tỷ đồng), REE (41,7 tỷ đồng) và VRE (34,8 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Trở lại chiều bán ròng, danh mục bán ròng của tổ chức trong nước có sự góp mặt MWG (136,9 tỷ đồng). Đây cũng là cổ phiếu duy nhất bị khối này chốt lời trên trăm tỷ đồng, đối ứng với lực cầu từ phía các nhà đầu tư cá nhân.

Cổ phiếu của Thế giới Di động lần đầu tiên trong năm vươn lên trở thành cổ phiêu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index trong 1 tuần, với mức tăng 12,3% trong tuần cổ phiếu đã giúp VN-Index tăng 2,9 điểm.

Một số cổ phiếu bluechip cũng nằm trong danh mục rút vốn gồm HPG (88,8 tỷ đồng), VPB (82,7 tỷ đồng), TCB (79,3 tỷ đồng), VIC (78,8 tỷ đồng).

Linh Chi

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.