Tổ chức trong nước bán ròng gần 3.600 tỷ đồng trong tuần hồi phục nhưng mua ròng khớp lệnh gần 900 tỷ đồng
Trong tuần 10 – 14/10, VN-Index tăng 2,5%, kết thúc chuỗi chuỗi 6 tuần giảm liên tiếp. Hoạt động bắt đáy gia tăng, khối ngoại mua ròng đã giúp chỉ số hồi phục sau khi giảm về vùng giá 1.000 điểm.
Như vậy, VN-Index đóng cửa tuần thứ 42 của năm 2022 với 4 phiên tăng, 1 phiên giảm, có thêm 25,94 điểm, đóng cửa tại 1.061,85 điểm. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 12.549 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tuần trước đó, nhưng giảm 5,2% so với trung bình 5 tuần gần đây.
Diễn biến theo nhóm ngành, 15/19 ngành tăng điểm với 3 ngành có mức tăng trên 4%. Ngành tiện ích giữ giá trong thời gian giảm lại là ngành có mức tăng tốt 4,8%, theo sau là 2 dòng dầu khí và ngân hàng với mức tăng lần lượt 4,3% và 4,2%.
Theo thống kê của FiinTrade, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng chủ yếu vào nhóm ngân hàng, chứng khoán, hóa chất, trong khi giảm ở nhóm bất động sản, thực phẩm và đồ uống, xây dựng và vật liệu.
Bất chấp những tín hiệu tích cực từ thị trường, tổ chức trong nước có tuần bán ròng lên tới 3.556 tỷ đồng.
Nhóm ngành nào được mua/bán ròng mạnh nhất trong tuần thị trường hồi phục?
Mặc dù hoạt động bán ròng của tổ chức nội áp đảo, tính riêng kênh khớp lệnh thì họ mua ròng 887 tỷ đồng. Theo thống kê từ Fiintrade, cổ phiếu thực phẩm và đồ uống thu hút mạnh mẽ nhất dòng tiền của các tổ chức nội với giá trị mua ròng đạt 178 tỷ đồng.
Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm tài nguyên cơ bản và điện, nước & xăng dầu khi đốt với giá trị vào ròng lần lượt là 143 và 141 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền tổ chức nội còn chảy vào ngành hàng & dịch vụ công nghiệp (117 tỷ đồng) và ngân hàng (99 tỷ đồng).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có tuần giao dịch mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 19,03% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, cùng với chỉ số giá ngành tăng 4,12%. Điều này cho thấy cầu đang vào mạnh.
Thống kê của FiinTrade chỉ ra chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm ngân hàng tăng trong tuần dù vẫn đang ở sát mức thấp nhất trong vòng một năm, chỉ số giá tăng 4,12%. Điều này cho thấy có cầu vào nhóm này hỗ trợ giá tăng điểm.
Chỉ số dòng tiền của nhóm ngân hàng tăng nhẹ và duy trì ở vùng cao một năm cho thấy so với thị trường chung nhóm này thu hút dòng tiền mạnh hơn.
Nối tiếp, hoạt động giải ngân dưới trăm tỷ đồng cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, điển hình như bán lẻ, bảo hiểm, công nghệ thông tin, chứng khoán,…
Ở chiều bán ra, cổ phiếu ngành bất động sản chịu áp lực rút ròng mạnh nhất với gần 74 tỷ đồng, quy mô chỉ còn 1/5 so với tuần trước đó. Có thể thấy, dòng vốn nội duy trì lực bán ở nhóm bất động sản trong bối cảnh nhóm này chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Tương tự, cổ phiếu của các doanh nghiệp du lịch & giải trí cũng nằm trong Top bán ròng với giá trị gần 18 tỷ đồng. Cùng chiều, lực bán ròng hơn cũng được chứng kiến ở các nhóm hóa chất, truyền thông.
Tập trung mua ròng ACB, HPG, VNM song bán ròng mạnh nhất NVL
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào cổ phiếu ACB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu. Mã này được mua ròng 139,9 tỷ đồng khi giá cổ phiếu có nhịp tăng gần 11,8% trong tuần.
Thống kê cho thấy, nhóm cổ phiếu vua được mua mạnh sau khi có chuỗi giảm sàn liên tiếp nhiều phiên trước đó. Trong tuần top cổ phiếu tăng điểm là CTG, BID, ACB, PGB, SHB, NAB, STB, VPB, VBB, MBB, toàn bộ tăng trên 5%. Riêng 3 mã CTG, BID, ACB tăng trên 10%.
Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng trên trăm tỷ đồng các mã HPG (123,5 tỷ đồng) và VNM (114,6 tỷ đồng). Cùng với đó, hai đại diện khác ở rổ VN30 là GAS và VCB cũng được mua ròng lần lượt 88 tỷ đồng và 79,3 tỷ đồng.
Trở lại chiều bán ròng, danh mục bán ròng của tổ chức nội có sự góp mặt của NVL (88,1 tỷ đồng). Liên quan đến hoạt động tài chính, trong vòng hai tháng qua, HĐQT Novaland đã thông qua việc vay vốn từ nguồn tín dụng trong nước và quốc tế với giá trị tối đa khoảng 165 triệu USD, tức gần 3.800 tỷ đồng.
Cùng thuộc lĩnh vực ngân hàng nhưng cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) và VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Techcombank) lại bị rút ròng 83,3 tỷ đồng và 68,2 tỷ đồng. Tương tự, tổ chức trong nước cũng bán ròng 49,6 tỷ đồng cổ phiếu DGC và 47,9 tỷ đồng mã DIG.