|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước bán ròng gần 1.000 tỷ đồng tuần VN-Index lấy lại mốc 1.200, tập trung chốt lời nhóm BĐS

20:59 | 01/08/2022
Chia sẻ
Bất chấp những tín hiệu tích cực từ thị trường, tổ chức trong nước có tuần bán ròng 996 tỷ đồng, tính riêng kênh khớp lệnh thì họ rút ròng 287 tỷ đồng.

VN-Index đóng cửa tuần thứ 31 của năm 2022 với 3 phiên giảm, 2 phiên tăng. Thị trường thế giới tích cực, khối ngoài mua ròng và kết quả kinh doanh khả quan của khối ngân hàng đã hỗ trợ VN-Index tăng 0,9%, qua đó duy trì 3 tuần tăng điểm liên tiếp từ vùng đáy. VN-Index cũng đã vượt qua ngưỡng tâm lý 1.200 điểm với thanh khoản cải thiện nhờ vận động tăng giá của các ngành lớn.

Đóng cửa tuần, VN-Index có thêm 11,57 điểm tương đương 0,97% đóng cửa tại 1.206,33 điểm. Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 11.942 tỷ đồng, tăng 0,23% so với tuần trước đó nhưng vẫn giảm 0,18% so với trung bình 5 tuần và giảm 31,86% so với trung bình 20 tuần gần đây.

Thị trường dù vậy phân hóa mạnh khi có đến 11/19 ngành tăng điểm và số lượng cổ phiếu tăng và giảm cân bằng. Diễn biến thị trường đang khá tích cực tuy nhiên diễn biến tuần tới dự báo còn giằng co theo hướng tăng dần. Theo dự báo của các chuyên gia, mùa công bố đi vào giai đoạn cuối và vận động thị trường sẽ còn phụ thuộc khá nhiều vào biến động thị trường chứng khoán quốc tế.

Tổ chức trong nước chốt lời nhóm bất động sản trong tuần giao dịch sôi động

Theo thống kê từ Fiintrade, hoạt động rút vốn của tổ chức trong nước trong nước diễn ra ở 9/18 ngành. Trong đó, cổ phiếu bất động sản chất là nhóm bị xả ròng nhiều nhất với giá trị lên tới 272 tỷ đồng, tuần trước đó giá trị bán ròng ở ngành này chỉ vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng.

Trong tuần, dòng tiền tập trung vào các mã DXG, DIG, KBC, NVL, VHM, CEO, IDC, VIC, NLG, VPI trong đó chỉ riêng có VIC và VPI giảm điểm. DXG tăng mạnh nhất nhóm này với tỷ lệ 12,73% trong khi VIC giảm 3,76% do giảm mạnh phiên cuối tuần khi ETFs cơ cấu lại danh mục.

Nhìn chung, chỉ số dòng tiền tích lũy vào nhóm bất động sản tăng mạnh trong 2 phiên cuối tuần giúp dòng tiền cả tuần tăng, tuy nhiên vẫn mang giá trị âm. Điều này cho thấy lượng tiền mới vào vẫn chưa đủ bù đắp cho dòng tiền rút khỏi nhóm này trước đó.

Chỉ số dòng tiền trong mối tương quan với thị trường vào nhóm bất động sản cũng đang ở vùng thấp nhất trong vòng 1 năm và mới tăng nhẹ trong tuần, điều này cho thấy dòng tiền vào ngành kinh doanh này vẫn còn thận trọng.

Cùng chiều, tổ chức trong nước cũng chốt lời 140,4 tỷ đồng cổ phiếu hàng cá nhân & gia dụng, dù tuần trước đó vẫn mua ròng gần 7 tỷ đồng.

Theo quan sát, xu hướng giao dịch của các tổ chức nội cũng đảo chiều ở nhóm bán lẻ với việc bán ròng 57 tỷ đồng sau khi mua gom hơn 8 tỷ đồng trong tuần trước đó.

Chưa dừng lại, lực xả của các tổ chức nội còn tìm đến các ngành hàng cá nhân & gia dụng (140 tỷ đồng), công nghệ thông tin (45 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (38 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (14,5 tỷ đồng),… 

Chiều ngược lại, quy mô mua ròng ở các cổ phiếu ngân hàng được đẩy mạnh lên mức 215 tỷ đồng, 2,75 lần giá trị tuần trước và là nhóm tập trung chủ yếu lực cầu trong tuần.

Một số nhóm cũng ghi nhận giao dịch tương đối tích cực trong tuần qua còn có dịch vụ tài chính (107 tỷ đồng), hóa chất (34 tỷ đồng), bảo hiểm (14 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (9 tỷ đồng),…

 Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Tổ chức trong nước tập trung xả bluechip trong khi mua ròng loạt cổ phiếu ngân hàng

Thống kê theo từng mã, Top5 bán ròng của tổ chức trong nước khá phân tán thay vì tập trung vào một số nhóm ngành cụ thể. Dẫn đầu danh mục bán ròng là cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup với 142,2 tỷ đồng. Lực bán tập trung trong phiên cuối tuần khi VIC giảm mạnh 4,48% giữa bối cảnh loạt bluechips bị xả mạnh.

Tương tự, cổ phiếu của ông lớn ngành bán lẻ Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận cũng bị khối ngoại bán ròng gần 140 tỷ đồng tuần qua bất chấp nỗ lực nâng đỡ từ các cá nhân trong nước. Bên cạnh đó, cổ phiếu REE của Cơ điện lạnh cũng bị bán ròng trên trăm tỷ đồng.

Vừa qua Cơ Điện Lạnh công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với doanh thu thuần 2.023 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu hạ tầng điện, nước chiếm 60% cơ cấu doanh thu. Mảng cơ điện lạnh đóng góp 27% vào doanh thu của REE, còn lại là mảng bất động sản với tỷ trọng 13%.

REE ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 755 tỷ đồng, tăng 60% so với mức 470 tỷ đồng quý II/2021.

Lũy kế 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần 4.068 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.711 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 81% so với nửa đầu năm ngoái.

Trong năm nay, REE đặt chỉ tiêu 9.279 tỷ đồng doanh thu và 2.064 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau nửa năm, công ty đạt 44% kế hoạch doanh thu và 83% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trở lại với giao dịch của khối tổ chức nội, hai mã còn lại trong Top5 bán ròng là CTG và MWG với giá trị rút ròng lần lượt là 80,9 tỷ và 62,8 tỷ đồng.

 Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp. 

Ở chiều mua vào, giao dịch mua ròng tập trung ở nhóm ngân hàng khi có tới 4/5 đại diện lọt top mua ròng.

Tổ chức trong nước tập trung xuống tiền gom cổ phiếu SHB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội với giá trị 154,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức nội còn rót ròng 76 tỷ đồng vào mã VPB của VPBank, 45,5 tỷ đồng cổ phiếu VIB và 39,7 tỷ đồng vào mã MBB. Cái tên còn lại trong danh mục giải ngân là HAH (79,9 tỷ đồng).

Thảo Bùi