Tỉnh táo giải bài toán kép khi đô thăng, tệ giáng
Ngày 26-9-2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất USD lần thứ ba trong năm 2018 và dự báo sẽ có thể tăng thêm một lần nữa vào cuối năm 2018 và 3 lần trong năm 2019. Sau khi tăng liên tục 2 năm qua, lãi suất USD hiện ở mức 2-2,25%, cao nhất trong hàng chục năm trở lại đây và USD đang tăng giá khá mạnh so với đa số các đồng tiền trên thế giới (chỉ số đồng USD đã tăng 8,5%).
Ngược lại, từ đầu năm đến nay, nhân dân tệ Trung Quốc đang liên tục giảm giá tổng cộng khoảng hơn 9,5% do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá chính thức đồng CNY với đồng USD và 2 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (giảm 0,5% vào tháng 6-2018 và giảm 1% vào tháng 10-2018), qua đó, bơm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng. So với VND, CNY cũng đã giảm 6,4% kể từ đầu tháng 4-2018 tới nay.
Xu hướng tăng giá đồng USD kéo theo nhiều hệ lụy toàn cầu, nổi bật là có thể làm khan hiếm và đắt đỏ hơn dòng vốn USD trên thị trường tài chính quốc tế và trong mỗi nước; làm giảm động lực đầu tư mở rộng dòng vốn FDI và làm giảm tốc thị trường chứng khoán, cũng như làm tăng nghĩa vụ nợ bằng đồng USD của cả chính phủ và doanh nghiệp.
Sự mất giá đồng CNY đang và sẽ tạo sức ép giảm giá thích ứng của các đồng tiền khác, tăng hiệu ứng lan tỏa lên lạm phát kỳ vọng và làm tăng rủi ro giá trị nắm giữ cho những khoản thanh toán hay dự trữ quốc gia bằng CNY và bằng những đồng tiền có xu hướng tiếp tục giảm giá khác.
Cộng hưởng xu hướng tăng giá USD và giảm giá CNY cũng như nhiều đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới đều tạo sức ép tăng tỷ giá, tức giảm giá nội tệ để có thể duy trì sức cạnh tranh hàng xuất khẩu của mình, mà đồng VND của Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, dù mức tăng tỷ giá với đồng USD vẫn khá khiêm tốn nếu so sánh với sự mất giá của các đồng tiền khác. Nhiều đồng tiền của các quốc gia châu Á giảm khoảng 3-6%. 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tăng lãi suất điều hành trong năm 2018 chủ yếu xuất phát từ chính sách thắt chặt tiền tệ từ các nền kinh tế lớn và xu hướng áp dụng thuế giữa các nền kinh tế…
Thận trọng lựa chọn phương tiện thanh toán
Theo Thông tư số 19-2018/TT-NHNN ngày 28-8-2018, hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc, từ ngày 12-10-2018, một số hoạt động thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc được thực hiện bằng tiền mặt VND hoặc CNY. Cụ thể, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc của thương nhân có thể sử dụng ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc CNY để thanh toán. Trong khi đó đối với các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ của cư dân biên giới và tại chợ biên giới, đồng tiền sử dụng hạn chế hơn chỉ gồm VND và CNY.
Các quy định mới về quản lý ngoại hối như trên trong bối cảnh tình hình phức tạp trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế đòi hỏi cả Chính phủ và doanh nghiệp xuất khẩu phải cân nhắc thận trọng lựa chọn phương tiện thanh toán quốc tế và cơ cấu dự trữ ngoại hối. Các phản ứng thị trường và phản ứng chính sách phải linh hoạt và bám sát các động thái lên xuống giá trị các đồng tiền cụ thể, sao cho giảm thiểu các rủi ro từ việc lựa chọn đồng tiền thanh toán sẽ bị mất giá hoặc lên giá.
Đồng thời, chúng ta cần kiên quyết ngăn chặn hiệu quả tình trạng thất thu ngân sách Nhà nước do các thủ đoạn, hành vi mới như thanh toán qua POS (thiết bị dùng cho phương thức thanh toán bằng thẻ) trái phép, thanh toán qua các ví điện tử bất hợp pháp, không thông qua ngân hàng trong nước; xử phạt nghiêm khắc tình trạng sử dụng trái quy định tiền nước ngoài trong các giao dịch mua - bán hàng hóa và dịch vụ du lịch trên lãnh thổ Việt Nam...
Áp lực phức tạp đa chiều trên thị trường tài chính tiền tệ đòi hỏi các cơ quan chức năng và chính phủ giải quyết tốt bài toán kép |
Cần chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt trước áp lực phức tạp, đa chiều
Trong năm 2018, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách lãi suất không đổi kể từ đợt hạ lãi suất trong tháng 7-2017, nhằm giữ cho tăng trưởng tiền tệ và tín dụng phù hợp với mục tiêu chính thức. Đến cuối tháng 6-2018, tăng trưởng cung tiền (M2) ước tính khoảng 16,2% so với năm trước và tăng trưởng tín dụng ngân hàng là 15%, phù hợp với mục tiêu hàng năm của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ trọng tổng dư nợ trên GDP hiện tại vẫn ở mức cao là 130%. Tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng giảm xuống 2,1% vào cuối tháng 6-2018, so với mức 2,5% vào đầu năm 2017 nhờ các ngân hàng đẩy mạnh giải quyết nợ xấu thông qua thu hồi nợ và bán tài sản thế chấp.
Trong nửa đầu năm 2018, tỷ giá VND được duy trì tương đối ổn định, chỉ giảm giá khoảng 1% so với USD. Tuy nhiên, tiền đồng đã yếu đi kể từ tháng 7, khi Ngân hàng Nhà nước đã hạ giá bán USD xuống mức rất thấp là 23.050 đồng để hỗ trợ nhu cầu ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại. Mức giá này được duy trì cho tới trước ngày 23-7 đồng thời Ngân hàng Nhà nước đã bán ra một lượng ngoại tệ nhất định. Sau động thái này, Ngân hàng Nhà nước chuyển sang điều tiết thị trường bằng công cụ thị trường mở để ổn định cung cầu VND, không để lãi suất VND giảm quá thấp như thời gian trước. Nhờ có động thái của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá giao dịch ổn định hơn và tìm được mặt bằng giá mới. Tỷ giá tự do dần hạ nhiệt.
Về triển vọng, tỷ giá VND có thể chịu thêm áp lực khi lãi suất của Mỹ tăng và USD mạnh lên. Nếu nhân dân tệ Trung Quốc tiếp tục mất giá so với USD thì sẽ gây áp lực lên tiền đồng, khiến VND có thể phải giảm giá để đảm bảo cạnh tranh cho các mặt hàng xuất khẩu. Áp lực phức tạp đa chiều trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới đòi hỏi các cơ quan chức năng và Chính phủ cần tỉnh táo nhận diện và giải quyết tốt bài toán kép, vừa giữ được ổn định đồng tiền Việt, kiểm soát lạm phát, vừa duy trì động lực tăng trưởng và sức cạnh tranh kinh tế chung, cả trước mắt và trung hạn, vĩ mô và vi mô.