|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín hiệu sớm của tỷ giá

07:39 | 30/11/2018
Chia sẻ
Thứ Sáu tuần trước và thứ Hai đầu tuần này các ngân hàng đã mua tổng cộng khoảng hơn 1 tỉ đô la Mỹ kỳ hạn (forward) từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với giá 23.462 đồng/đô la Mỹ, cao hơn 83 đồng/đô la Mỹ, tương đương 0,37% so với giá niêm yết bán giao ngay của Sở Giao dịch NHNN ngày 27-11-2018 là 23.379 đồng/đô la Mỹ. Ngày đến hạn của đợt mua này là ngày 31-1-2019, tức trước Tết Nguyên đán hai tuần, thời điểm được cho là có thể căng thẳng về nhu cầu tiền đồng.
tin hieu som cua ty gia Tỷ giá USD hôm nay (30/11) phục hồi nhẹ, bảng Anh xuống sát đáy 2 tuần
tin hieu som cua ty gia Tỷ giá USD các ngân hàng đồng loạt giảm sâu
tin hieu som cua ty gia
Nhu cầu ngoại tệ để trả nợ, thanh toán nhập khẩu cuối năm Dương lịch cũng như cuối năm Âm lịch khá cao. Ảnh: THÀNH HOA

Vì sao NHNN bán ngoại tệ kỳ hạn thời điểm này? Và vì sao các ngân hàng thương mại mua? Về phía nhà điều hành, đây là phương thức giãn cầu ngoại tệ. Thông thường nhu cầu ngoại tệ để trả nợ, thanh toán nhập khẩu cuối năm Dương lịch cũng như cuối năm Âm lịch khá cao. Bán forward là đảm bảo cho các nhà nhập khẩu có nguồn ngoại tệ để cân đối nhu cầu và thời điểm sử dụng ngoại tệ. Bên cạnh đó, NHNN muốn phát tín hiệu sớm về tỷ giá. Giá bán forward có thể sẽ là điểm rơi của tỷ giá vào trước Tết Âm lịch. Việc đồng Việt Nam cho đến lúc đó trượt giá thêm 0,37% là chấp nhận được bởi trong nó đã hàm chứa khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất đô la Mỹ một lần nữa trong tháng 12 tới.

Sự tính toán tỷ giá của NHNN còn dựa trên hai điểm nhấn về cung cầu ngoại tệ. Thứ nhất, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11-2018 Việt Nam nhập siêu 400 triệu đô la Mỹ (từ mức xuất siêu của tháng trước liền kề). Tất nhiên số liệu chính xác còn phải đợi hết tháng 11, nhưng nó cũng cảnh báo nhập siêu hàng hóa tiêu dùng có thể tăng để phục vụ Tết, đồng thời nhập khẩu nguyên liệu sản xuất có thể gia tăng nhằm tận dụng giá nguyên liệu hàng hóa trên thị trường thế giới giảm mạnh từ giữa tháng 10-2018.

Thứ hai kiều hối về Việt Nam có xu hướng mở rộng vào cuối năm, chưa kể Việt kiều về quê ăn Tết mang theo ngoại tệ. Đưa ra một tỷ giá hợp lý nhằm hỗ trợ các ngân hàng nhân dịp này mua vào ngoại tệ cả từ người dân, khách du lịch và doanh nghiệp là một giải pháp phù hợp.

Các ngân hàng có trạng thái ngoại hối âm đã mua forward và có thể còn được mua thêm nếu có nhu cầu thực sự. Việc mua forward giúp họ cân đối nguồn tiền đồng, tránh phải chịu áp lực vay liên ngân hàng lãi suất quá cao ở những thời điểm “nóng”. Mức chênh lệch gần 0,4% của tỷ giá forward so với hiện tại trong khoảng thời gian 10 tuần (tính đến ngày cuối cùng của tháng 1-2019) là chi phí hợp lý so với lãi suất huy động tiền đồng ở thời điểm cuối năm.

Bán ngoại tệ forward còn mang một ý nghĩa khác. Đó là cung cấp cho nhà điều hành một công cụ nữa để điều hòa cung tiền. Cung ứng ngoại tệ ra, tiền đồng sẽ được hút về. Ở đây NHNN đã gián tiếp truyền thông điệp ra thị trường rằng thanh khoản sẽ được đáp ứng đủ, nhưng đủ ở mức độ nào là chuyện khác. Cái neo lãi suất vẫn đang được tiếp thêm sức bền để củng cố giá trị đồng nội tệ theo định hướng của nhà điều hành.

Năm 2019 chỉ tiêu lạm phát được Quốc hội phê duyệt khoảng 4%. Chữ “khoảng” cho phép lạm phát dao động từ dưới 4% đến 4,9%. Tỷ giá theo dự báo nhiều khả năng biến động theo hướng đô la Mỹ lên giá 2-3% so với tiền đồng. Như vậy, lãi suất huy động tiền đồng kỳ hạn 12 tháng tối thiểu phải cao hơn 8%/năm thì mới hấp dẫn người gửi tiền.

Năm tới, thời điểm sau Tết Âm lịch, thị trường tiền tệ sẽ không giống những năm trước. Trong chu kỳ đi lên của lãi suất, đặc biệt sự đi lên bắt đầu từ vùng đáy, mà đáy lại rất rộng, đo bằng ba năm vừa qua, thì các chủ thể có nhu cầu vay vốn sẽ cố gắng vay càng sớm càng tốt để còn được hưởng mức lãi suất thấp có thể. Thậm chí có doanh nghiệp chưa cần vốn ngay, nhưng cũng sẽ vay và sử dụng tiền vay gửi lại ngân hàng để tránh lãi suất cao nếu vay từ quí 3, quí 4 trở đi. Các năm trước, một số ngân hàng đẩy mạnh cho vay cuối năm để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, sau đó ra Tết, khách hàng trả nợ ngay, nên tín dụng đầu năm thường thấp. Năm nay hầu hết các ngân hàng đã xài hết room tín dụng, việc cho vay để “chạy” chỉ tiêu cuối năm sẽ không xảy ra và theo đó, việc trả nợ ngay sau Tết cũng sẽ không còn.

Ngoài ra từ ngày 1-1-2019 hệ số trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản cho vay bất động sản sẽ được nâng lên 250% từ mức 200% hiện tại. Cho nên dù muốn hay không, các ngân hàng cũng buộc phải xem xét siết cho vay bất động sản, nhất là trong bối cảnh chỉ tiêu tín dụng cho năm tới sẽ không cao hơn năm nay. Và quy định sử dụng 40% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, thay vì mức 45% hiện hành, sẽ có hiệu lực cũng từ năm 2019.

Xem thêm

Hải Lý