Tìm điểm cân bằng cho giá thịt heo
Giá thịt heo vẫn cao
Bất chấp những kêu gọi giảm giá thịt heo từ Chính phủ, giá thịt heo khi đến tay người tiêu dùng hiện vẫn rất cao, có sản phẩm chạm mức 240.000-250.000 đồng/kg. Đây là mức giá ngang ngửa với thịt bò nên không ít gia đình đành gạt thịt heo ra khỏi thực đơn hằng ngày, dù ở Việt Nam, thịt heo là thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn gia đình.
Những người trong ngành xác nhận, giá thịt heo tăng mạnh, trước hết bởi nhu cầu thị trường đang cao hơn nguồn cung. Nếu năm 2018 cả nước có 31 triệu con heo thì đến tháng 3.2020, con số này khoảng 24 triệu con, theo Cục Chăn nuôi.
Trong đó, số thịt heo đưa ra thị trường quý I/2020 chỉ khoảng 820.000-830.000 tấn, thấp hơn nhu cầu thực tế 100.000 tấn. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng, phải đến quý IV/2020, Việt Nam mới có thể đạt được lượng thịt cần dùng.
Trong khi đó, nguồn nhập khẩu heo vẫn chưa đạt như mong đợi. Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, nếu như kế hoạch đặt ra cho quý I/2020 là nhập 100.000 tấn thì con số nhập thực tế chỉ hơn 39.000 tấn. Bộ Công Thương đang kiến nghị các bộ, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa việc tái đàn và nhập khẩu thịt heo để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện Việt Nam có khoảng 15 doanh nghiệp lớn tham gia lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thịt heo như C.P. Vietnam, Green Farm, Dabaco, Mitraco, Mavin, Masan, Vissan... Các doanh nghiệp này chiếm khoảng 35% thị phần chăn nuôi heo cả nước; số còn lại trong tay các cơ sở chăn nuôi gia đình và nhà nhập khẩu.
Một lý do khác, như ông Đào Mạnh Lương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Mavin, chia sẻ, giá thịt heo hiện phải qua quá nhiều khâu trung gian như lưu thông, mổ xẻ, chế biến, đóng gói thành phẩm... Cứ mỗi khâu trung gian như vậy, hao hụt diễn ra và giá thịt tăng thêm từ 8-10%.
Khi đến tay người tiêu dùng, thịt heo bị đội giá lên gấp đôi, gấp 3 so với giá heo hơi. Theo Tổng cục Thống kê, các khâu trung gian chiếm tới 70-90% giá thành thịt. Vì thế, muốn giảm giá thịt heo, ngoài tìm cách hạ giá heo hơi còn phải kiểm soát hoạt động ở cả các khâu trung gian, phân phối.
Trước mắt, theo tính toán của các cơ quan chức năng, mỗi kg heo hơi tốn chi phí trên dưới 40.000 đồng/kg so với mức hiện nay là trên dưới 80.000 đồng/kg.
Chưa kể, một số công ty lớn trong ngành chăn nuôi như C.P., Dabaco, Masan... đều đã khép kín chuỗi sản xuất nên có thể giảm được các chi phí trung gian, để có được mức giá bán thấp đáng kể.
Hơn nữa, Nhà nước cũng đang tính đến việc đưa thịt heo vào diện bình ổn giá. Khi đó, doanh nghiệp muốn tăng giá bán thêm 5% đều phải báo cáo và kê khai với cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, như đã đề cập, các doanh nghiệp hiện chỉ nắm khoảng 1/3 thị trường thịt heo. Để có thể giảm giá thịt heo đồng bộ, lâu dài, bên cạnh việc tăng mục tiêu tốc độ tái đàn nhanh (từ 17% lên mức 25-30%), theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các doanh nghiệp cần phải hợp tác chặt chẽ với hộ nông dân và xây dựng, mở rộng chuỗi cung ứng khép kín.
Đây là câu chuyện cần đến cái tâm và tầm nhìn dài hạn của lãnh đạo doanh nghiệp. Bởi trước mắt, giá thịt heo ở mức cao đang tạo ra những lợi ích kinh doanh cho các công ty ngành chăn nuôi, chế biến.
Hạ giá và bài toán của doanh nghiệp
Báo cáo tài chính quý I/2020 của Vissan cho thấy, doanh thu thuần từ thịt tươi sống, thực phẩm chế biến tăng hơn 20%, đạt 1.453 tỉ đồng; lãi sau thuế là 46,4 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.
Tại Dabaco, lãi sau thuế tăng lên đến 328 tỉ đồng, từ mức 20 tỉ đồng cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù Dabaco giải trình lý do tăng trưởng là nhờ đã đưa vào hoạt động một số dự án, nhưng lãnh đạo Công ty cũng thừa nhận, các mảng sản xuất con giống và chăn nuôi heo đã thúc đẩy đà tăng doanh thu, lợi nhuận ở Dabaco.
Báo cáo riêng lẻ của Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam cũng cho biết lãi sau thuế quý I/2020 tăng 123%, lên hơn 53,9 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sắp tới, nếu hạ giá thành thịt heo, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ khó đột biến như quý I vừa qua. Nhưng bù lại, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm đà tăng trưởng bằng cách mở rộng quy mô.
Hiện tại, trước diễn biến giá thịt heo tăng cao, không ít người tiêu dùng đã chuyển sang dùng thực phẩm khác thay thế như thịt bò, thịt gà, hải sản...
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho rằng việc chuyển đổi này không làm thay đổi hàm lượng dinh dưỡng. Bởi theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 100 gram thịt bò có 18-19 gram protein, tương đương mức ở thịt gà lẫn thịt heo. Tuy nhiên, lâu nay, vì thói quen, 65% cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn người Việt là thịt heo.
Nếu giá thịt heo cứ neo ở mức giá khó chấp nhận, người tiêu dùng sẽ buộc phải thay đổi thói quen.
Cục Chăn nuôi dự báo, nhu cầu tiêu thụ thịt heo ước giảm 10% trong năm 2020. Người Việt cũng đang xem xét đến việc sử dụng nguồn thịt heo đông lạnh, nhập từ các nước. Năm nay, Việt Nam có kế hoạch nhập khẩu riêng thịt heo ở Nga là 50.000 tấn, bằng 70% tổng số thịt heo cần nhập.