|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tim Cook ra chiêu

07:42 | 17/04/2019
Chia sẻ
Khi doanh số bán iPhone sụt giảm, ông chủ của Apple đã đặt cược vào video, game, tin tức và thẻ tín dụng.
Tim Cook ra chiêu - Ảnh 1.

Ảnh: businessinsider.com

Không có buổi trình diễn nào kịch tính, sôi động, cuồng nhiệt và gây kích thích cho người hâm mộ giống như cách Steve Jobs, cố CEO của Apple, ra mắt chiếc iPhone mới. Nhưng buổi trình diễn suốt 2 giờ đồng hồ vào cuối tháng 3 vừa qua của Tim Cook, người kế vị Steve Jobs, có lẽ lại được ghi nhớ như một cột mốc quan trọng cho hãng công nghệ Mỹ và cho cả ngành giải trí. Cook không giới thiệu phiên bản iPhone mới nhất của Công ty mà thay vào đó, ông tiết lộ một loạt sản phẩm và dịch vụ như video streaming, tin tức, game và thậm chí ra mắt thẻ tín dụng. Đó là điều khiến cho cả thế giới kinh doanh và giải trí phải chú ý. Bởi lẽ, với 900 triệu chiếc iPhone được bán ra trên toàn cầu, hơn gấp 6 lần lượng thuê bao của Netflix, Apple hoàn toàn có khả năng tiếp cận một lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ cho các dịch vụ mới của Hãng.

Tim Cook ra chiêu - Ảnh 2.

Các chuyên gia phân tích cho rằng Apple sẽ cung cấp cho khách hàng của mình một “biến thể” của Amazon Prime. Theo đó, khách hàng sẽ trả một khoản phí hằng tháng để được sử dụng hệ sinh thái của Apple gồm tin tức, game, lưu trữ đám mây, âm nhạc, video và dịch vụ Apple Prime này có thể kết nối với lượng khách hàng khổng lồ sử dụng iPhone của Hãng. Cook không công bố một dịch vụ thuê bao độc nhất vô nhị mà thay vào đó hứa hẹn tung ra 5 sản phẩm riêng lẻ; một vài trong số các sản phẩm này chỉ đơn giản là các dịch vụ cũ trong một gói dịch vụ hấp dẫn hơn. Dù vậy, những động thái này cũng đủ đe dọa miếng cơm của các gã khổng lồ công nghệ, Hollywood và các ngân hàng.


Chẳng hạn, Apple TV+, một dịch vụ truyền hình thuê bao hoàn toàn mới dự kiến ra mắt vào mùa thu năm 2019, sẽ cung cấp các chương trình truyền hình gốc tại hơn 100 quốc gia trên thế giới với sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng như người dẫn chương trình Oprah Winfrey, nữ diễn viên Reese Witherspoon hay Sesame Street, một chương trình truyền hình Mỹ dành cho thiếu nhi và những nội dung khác.

Tim Cook ra chiêu - Ảnh 3.

Số tiền Apple dự tính chi vào các chương trình gốc có lẽ từ 1-2 tỉ USD cho đến thời điểm này. Con số trên vẫn còn khiêm tốn so với số tiền mà Netflix bỏ vào các nội dung gốc và được cấp phép, lên tới 15 tỉ USD trong năm nay. Số tiền của Apple cũng không bằng số tiền Disney chi ra. Hãng phim này cũng sắp sửa tung ra dịch vụ video streaming của riêng mình.

Thế nhưng, các chương trình của Apple hiện chủ yếu thu hút khách hàng tham gia vào hệ sinh thái các ứng dụng và dịch vụ của Công ty, bao gồm các dịch vụ đăng ký thuê bao về game, các tạp chí Mỹ lớn (và một số tờ báo trong đó có Wall Street Journal) và tại Mỹ là các kênh truyền hình trả tiền như HBO, Showtime và Starz. Khách hàng có thể trả tiền cho tất cả các dịch vụ này bằng cách sử dụng thẻ Apple Card mới, được phát triển với sự hợp tác của các ông chủ ngân hàng tại Goldman Sachs.

Sản phẩm thẻ tín dụng này đưa Apple cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng, bởi thẻ không có phí và sẽ hoàn lại cho người sử dụng tới 2% số tiền đối với các giao dịch mua hàng, dịch vụ được thực hiện thông qua ứng dụng thanh toán Apple Pay hoặc 3% đối với các giao dịch mua hàng hóa và dịch vụ của Apple.

Mặc dù nguồn thu của Apple chủ yếu đến từ các thiết bị, nhưng mảng dịch vụ lại đang tăng trưởng rất nhanh, chiếm tới gần 40 tỉ USD trong tổng doanh thu 266 tỉ USD vào năm 2018. Các sản phẩm, dịch vụ thuê bao mới của Apple lại dễ chọn và mua hơn các phiên bản dịch vụ trước đó và vì thế sẽ càng thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của mảng dịch vụ. Các đối tác mới của Apple cũng hy vọng có thể cưỡi lên con sóng này.

Theo các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs, Apple có thể chuyển 10% trong số 85 triệu người sử dụng hằng tháng ứng dụng tin tức miễn phí mới của Hãng thành đối tượng đăng ký thuê bao trả tiền. Trong khi đó, Apple TV Channels là nơi người dùng có thể đăng ký thuê bao một loạt kênh truyền hình trả tiền như HBO, Starz, Showtime, Cinemax, Epix... thông qua ứng dụng của Hãng mà không cần cài đặt từng ứng dụng riêng. Apple nhận một phần doanh thu từ dịch vụ thuê bao truyền hình và tin tức được bán qua các dịch vụ của Công ty, cũng giống như nhận được một khoản thu từ doanh số bán trong kho ứng dụng của Hãng.

Tim Cook ra chiêu - Ảnh 4.


Một số nhà cung cấp nội dung lại tỏ thái độ hoài nghi. New York Times và Washington Post, chẳng hạn, đã cự tuyệt lời mời hợp tác từ phía Apple do lo ngại ảnh hưởng đến các dịch vụ tin tức của mình. Netflix và Disney sẽ không tham gia vào Apple TV+, vì xem dịch vụ truyền hình thuê bao mới của Apple là một mối đe dọa hơn là một cơ hội.


Họ hoàn toàn đúng khi tỏ ra thận trọng. Tương lai của ngành truyền thông sẽ thuộc về những ai kiểm soát được mối quan hệ với người tiêu dùng, theo những người trong ngành. Nhờ các thiết bị có mặt ở khắp mọi nơi của mình, Apple nắm trong tay hàng trăm triệu mối quan hệ khách hàng như thế. Với quyền lực về mối quan hệ này, Apple cũng dễ dàng có được quyền lực mời chào khách hàng bỏ nhiều thời gian và tiền bạc hơn vào các dịch vụ của Hãng và từ đó, loại bỏ các đối thủ khỏi cuộc chơi.

Rõ ràng, Cook có thể không có được buổi trình diễn sôi động, mãn nhãn như người tiền nhiệm Steve Jobs, nhưng chắc chắn các đối thủ của Apple sẽ phải dè chừng ông nhiều hơn


Ngô Ngọc Chây

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.