|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tìm chủ đầu tư cho Khu phức hợp Đầm Sen sau nhiều lần lỡ hẹn

19:14 | 03/04/2020
Chia sẻ
Mới đây, UBND TP HCM đã duyệt chủ trương tìm nhà đầu tư cho Khu phức hợp Đầm Sen theo hình thức đấu thầu. Dự án này được kêu gọi đầu tư từ trước năm 2012 và từng qua tay hai chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa thành hình.

Tại cuộc họp Tổ công tác về đầu tư trên địa bàn TP mới đây, UBND TP HCM cho biết đã chấp thuận chủ trương tiếp tục mời gọi đầu tư Khu phức hợp Đầm Sen (phường 3, quận 11) theo hình thức đấu thầu dự án, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tạm cư và tái định cư cho các hộ dân.

Theo qui hoạch được duyệt, khu đất tại Khu phức hợp Đầm Sen có qui mô 54.568 m2. Trong đó, đất ở, dịch vụ 34.405 m2, bao gồm chung cư (23.566 m2), khách sạn (5.554 m2), văn phòng (5.285 m2), đất công trình công cộng (10.000) m2…

Đấu thầu Khu phức hợp Đầm Sen sau nhiều lần lỡ hẹn - Ảnh 1.

cuối năm 2018, UBND TP HCM đưa dự án Khu phức hợp Đầm Sen vào danh sách 180 dự án xóa treo. Ảnh: dothi.net

Khu phức hợp Đầm Sen đã hai lần lỡ hẹn

CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) nay là Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc (Mã - BCI). BCCI là công ty từng gắn liền với tên tuổi của ông Trầm Bê và sở hữu quĩ đất khoảng 400 ha tại khu Nam Sài Gòn.

Thông tin từ UBND quận 11, ban đầu Khu phức hợp Đầm Sen được giao cho CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) làm chủ đầu tư. 

Ngày 19/3/2012, Văn phòng UBND TP HCM đã ban hành Thông báo số 163/TB-VP về việc giải quyết các kiến nghị của UBND quận 1. 

Theo đó, ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND TP ban hành Quyết định thu hồi diện tích đất đã giao cho Xây dựng Bình Chánh do công ty không có khả năng thực hiện dự án.

Đồng thời, nguyên Chủ tịch UBND TP giao UBND quận 11 tiếp tục mời gọi đối tác khác thay thế để thực hiện dự án bồi thường, giải tỏa và tái định cư đối với khu đất 5,9 ha.

Tại gặp gỡ với 43 hộ dân trong Khu phức hợp Đầm Sen vào tháng 10/2012, ông Nguyễn Hoàng Thái, Phó Chủ tịch UBND quận 11 đã thay mặt Quận ủy - UBND quận gửi lời xin lỗi đến người dân trong việc chậm trễ thông tin với người dân về khu phức hợp Đầm Sen như Chủ tịch quận đã hứa vào tháng 6/2012.

Đến ngày 4/10/2012, Sở Xây dựng ban hành thông báo số 7832/TB-SXD-VP về việc CTCP Quốc tế C&T đăng kí làm chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Đầm Sen.

Sau đó, UBND TPHCM chính thức công nhận cho C&T làm chủ đầu tư khu phức hợp tại Văn bản số 3890 ngày 9/8/2014 và tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng lần lượt được gia hạn vào năm 2015, 2017 và tháng 8/2018.

Cuối năm 2018, Báo Sài Gòn Giải phóng từng thông tin, giá bất động sản tăng cao, nhất là sau khi TP HCM hoàn thành dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm nên chi phí bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá bồi thường về đất tăng từ 700 tỉ đồng lên hơn 2.000 tỉ đồng.

Số tiền này vượt khả năng cân đối tài chính và không đảm bảo thu hồi vốn của chủ đầu tư. Trong khi đó, dự án đã được UBND TP phê duyệt kế hoạch sử dụng đất ba kì liên tục từ năm 2015.

Trong trường hợp tiếp tục điều chỉnh theo ý kiến của chủ đầu tư và tổ chức thực hiện theo Luật Đấu thầu sẽ kéo dài thời gian thực hiện dự án. Do vậy, UBND quận 11 đã kiến nghị UBND TP HCM ban hành văn bản chấm dứt vai trò chủ đầu tư của C&T.

C&T là công ty thành viên của C.T Group, được thành lập vào ngày 7/2/2002 do ông Trần Kim Chung làm Chủ tịch HĐQT.

Ban đầu, công ty có vốn điều lệ 500 tỉ đồng, ông Trần Kim Chung (74%), bà Trần Thị Mỹ Hoa (23%) và bà Đinh Thị Bích Thảo (3%). Đến ngày 8/11/2016, C&T công bố vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng.

Ngày 4/1/2017, C&T tăng vốn từ 1.000 tỉ đồng lên 2.341 tỉ đồng. Không lâu sau đó đến ngày 16/1 cùng năm, tỉ lệ sở hữu của ông Chung chỉ còn 8,2% (191 tỉ đồng), hai cổ đông còn lại cũng đã thoái vốn.

Tính đến ngày gần nhất 13/11/2018, vốn điều lệ của C&T còn 2.101 tỉ đồng nhưng không rõ cổ đông.

Về hoạt động đầu tư, C&T được biết đến là chủ đầu tư Dự án Khu công nghiệp mới Lê Minh Xuân (Bình Chánh). Ngoài ra, C&T còn tham gia góp vốn vào các đơn vị như CTCP Nguyên Hồng (40,5%) và CTCP CT Sóng Thần (75%) tại ngày 20/7/2018.

Nguyên Ngọc

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.