Tiêu dùng sẽ thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và toàn cầu
Chủ tịch viện nghiên cứu Chatham House (có trụ sở tại London, Vương quốc Anh), ông Jim O’Neill, cho rằng Trung Quốc nên tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế, bởi điều này không chỉ giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc mà còn góp phần khôi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế bị tác động mạnh bởi đại dịch COVID-19 và đối mặt với tình trạng suy giảm trong năm 2020, kinh tế Trung Quốc cũng đứng trước nhiều thách thức lớn.
Ông O’Neill cho rằng việc đạt được mục tiêu tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào người tiêu dùng.
Theo ông Ning Jizhe, người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tiêu dùng vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính của nền kinh tế Trung Quốc, khi đóng góp tới 57,8% trong tăng trưởng kinh tế năm 2019.
Để bù đắp cho những tổn thất do đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến tiêu dùng, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách quy mô lớn, trong đó 70% các quỹ được sử dụng để giúp tăng thu nhập cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và tiếp sức cho thị trường.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt nhờ thị trường nội địa và quy mô người tiêu dùng khổng lồ.
Ông O'Neil hy vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vai trò thúc đẩy trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
Ông cũng cảnh báo vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể sẽ phức tạp hơn sau đại dịch COVID-19, song việc chuỗi cung ứng bị phân mảnh không phải là vấn đề lớn đối với Trung Quốc nếu thu nhập của người tiêu dùng ngày càng tăng lên.