Tiêu dùng dịp cận Tết tăng thấp hơn giai đoạn các năm trước
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô tháng 1 cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục trong xu hướng phục hồi, triển vọng tăng trưởng năm 2024 được dự báo lạc quan.
Cũng trong tháng 1, công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, chủ động, tích cực và hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ đã tham dự thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), thăm chính thức Hungary và Rumani, cùng nhiều hoạt động xúc tiến hợp tác, đầu tư bên lề.
Một điểm sáng nữa của kinh tế trong tháng đầu tiên của năm là tổng vốn FDI đăng ký tăng mạnh 40,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 2,36 tỷ USD. Trong đó vốn đăng ký mới tăng 66,9%, vốn thực hiện đạt 1,48 tỷ USD, tăng 9,6%, là tín hiệu cho thấy nước ta đang tranh thủ được cơ hội từ những thành tựu đối ngoại, ngoại giao trong năm 2023 và tháng đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức, như sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều khó khăn.
Cầu tiêu dùng trong nước dịp cận Tết tăng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 1,6% so với tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn giai đoạn cận Tết các năm từ 2020 đến nay (trên 3,5%). Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Bộ KH&ĐT cũng đề cập đến thách thức để tận dụng cơ hội mới từ những thành tựu đối ngoại nổi bật. Thách thức này đòi hỏi sự đổi mới, cải cách thể chế mạnh mẽ, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, toàn diện trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trong thu hút đầu tư, nguồn lực tài chính, khoa học công nghệ từ bên ngoài.
Bộ KH&ĐT đề xuất một số giải pháp, theo đó cần khẩn trương xây dựng, ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội thông qua, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Giao dịch điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ cho rằng cần thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.