|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiềm năng tiêu dùng nội địa 2024 nhìn từ thu nhập và các khoản tiết kiệm của người dân

15:15 | 15/01/2024
Chia sẻ
Tiêu dùng cuối cùng tăng rất thấp trong năm 2023 cho thấy người dân đang tiết kiệm và chi tiêu thận trọng hơn. Sang năm 2024, khu vực tiêu dùng liệu có hồi phục?

Tiêu dùng cuối cùng tăng rất thấp trong năm 2023

Năm 2023, bên cạnh lĩnh vực xuất khẩu suy giảm do chịu ảnh hưởng từ tổng cầu suy yếu, khu vực tiêu dùng cũng gặp một số vấn đề.

Tại tọa đàm mới đây. TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia nêu vấn đề dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với cùng kỳ nhưng tiêu dùng cuối cùng tăng rất thấp (3,52%), chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng kinh tế thông thường hàng năm. Điều này nghĩa là người dân đang tiết kiệm, tiêu dùng thông minh hơn và thận trọng hơn.    

Nhóm phân tích của Ngân hàng HSBC mới đây cũng đề cập đến việc tăng trưởng tiêu dùng cá nhân đã giảm hơn một nửa trong năm 2023 so với xu hướng trước đại dịch là 7%, phản ánh một loạt các yếu tố như ảnh hưởng do lĩnh vực thương mại trì trệ, ngành bất động sản suy yếu và tâm lý người tiêu dùng thận trọng trước môi trường vĩ mô nói chung. Sau tất cả, doanh số bán lẻ hàng hóa vẫn thấp hơn 4% so với xu hướng trước đại dịch.  

 

Số liệu cho thấy trong các năm Việt Nam có tăng trưởng GDP ở mức khá, tiêu dùng cuối cùng cũng tăng trưởng tốt. Đơn cử như năm 2019 khi tăng trưởng GDP cả năm đạt 7,36%, tiêu dùng cuối cùng tăng gần 4,6%. Năm 2023, tăng trưởng knh tế đạt 8,12%, tiêu dùng cuối cùng tăng gần 4,8%.

Năm 2020, 2021 và 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng thấp và tăng trưởng GDP cũng chỉ ở mức khiêm tốn.  

 Nguồn: Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV. 

Với đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP cả năm, sang năm 2024, khu vực tiêu dùng kỳ vọng sẽ được kích thích nhiều hơn. 

Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển mới đây nhấn mạnh cần quan tâm đến vấn đề kích cầu cho tiêu dùng vì tổng mức bán lẻ hàng hóa chỉ tăng 9,6%, là mức rất thấp so với 20% so với những năm trước. "Gần Tết chi tiêu mua sắm cũng trầm lắng hơn so với năm trước, trong khi đó tiền gửi tăng 13,5 triệu tỷ đồng. Cần có cơ chế đưa dòng tiền này vào sản xuất, đầu tư để phát triển", ông nói.

 


Tình hình tài chính của người dân đang lành mạnh hơn hồi cuối năm 2022

Đánh giá về tiềm năng của tiêu dùng nội địa trong năm 2024, các chuyên gia của Chứng khoán Maybank (MBKE) cho rằng khu vực này vẫn có tiềm năng dài hạn, khi nhìn vào xu hướng thu nhập cá nhân và tài sản tiết kiệm hiện tại.

Để dự báo về thu nhập của người dân, nhóm phân tích sử dụng các khoản thanh toán thuế thu nhập cá nhân làm đại diện. 

Năm 2020, do tình trạng sa thải công nhân bởi dịch COVID-19 và việc thực hiện cơ chế thuế thu nhập cá nhân mới, các khoản thuế thu nhập cá nhân phải nộp chỉ tăng 5,2% so với cùng kỳ từ mức 15 - 20% mỗi năm trong những năm trước.

Nhưng vào năm 2022, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đã tăng 28% so với cùng kỳ nhờ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và bất động sản.

Mặc dù giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước do mức cơ sở cao của năm 2022, các khoản thanh toán thuế thu nhập cá nhân trong 9 tháng đầu năm 2023 vẫn đi đúng hướng với tốc độ tăng trưởng dài hạn.    

 

Về tiết kiệm, sự bùng nổ nói trên đã khiến cho tiền từ tài khoản tiết kiệm bị rút mạnh trong giai đoạn 2020-2022. Nhưng sự đổ vỡ sau đó đã đảo chiều trong năm 2023, kéo tiền gửi ngân hàng cá nhân trở lại đường xu hướng dài hạn của chúng khi những bất ổn về kinh tế thúc đẩy việc tiết kiệm với sự thận trọng.

 

Theo MBKE, mặc dù các khoản thanh toán thuế thu nhập cá nhân cho thấy không có thay đổi cơ bản nào trong xu hướng thu nhập cá nhân dài hạn, nhưng việc tiết kiệm thận trọng không chỉ giúp người tiêu dùng chuẩn bị đầy đủ cho những trở ngại mới mà còn cho phép chúng ta kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn trong tương lai.

Khảo sát mới đây của Kantar. thực hiện ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ cho thấy trong quý III/2023, một số hộ gia đình không còn gặp khó khăn về tài chính và tình hình khả quan trở lại, điều này có thể cho thấy người tiêu dùng đang ở trong tình trạng tài chính lành mạnh hơn so với cuối năm 2022 sau những khó khăn của thị trường vốn và bất động sản.           

 Nguồn: Kantar. 

 

Anh Đào