Tiếp tục tranh luận về đường sắt tốc độ cao
“Không có chuyện Bộ KH-ĐT đưa ra phương án cắt giảm tổng mức đầu tư dự án mà Bộ GTVT đề xuất. Chúng tôi đưa ra kịch bản khác nên công nghệ và điều chỉnh tổng mức đầu tư khác nhau.
Vì thế, bộ đã báo cáo Thủ tướng, đề nghị thành lập hội đồng thẩm định để xem xét cụ thể các kịch bản”, ông Thắng giải thích.
Do đường sắt tốc độ cao là dự án phức tạp, có nhiều tranh cãi, nên hội đồng thẩm định sẽ phải thuê tư vấn nước ngoài thẩm tra, đồng thời thời gian thẩm định cũng phải kéo dài hơn.
Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao vào kỳ họp tháng 5-2020.
Ông Vũ Đại Thắng cho rằng, cá nhân ông mong muốn Việt Nam “có tuyến đường sắt tốc độ cao như Shinkansen của Nhật Bản”, nhưng trong bối cảnh từ năm 2010 - 2019, GDP tăng lên 250 tỷ USD, như vậy tổng vốn đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao (350km/giờ) chiếm tới gần 1/4 GDP. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận công nghệ của Việt Nam vẫn rất hạn chế.
Tại hội nghị, GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cũng bảo lưu ý kiến xây dựng tuyến đường sắt mới khổ đường ray 1,435m, chạy chung tàu hàng và tàu khách với tốc độ 200km/giờ.
Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, cũng phát biểu: “Nhu cầu chưa bức xúc để đầu tư đường sắt cao tốc chạy riêng. Chúng ta nên kết hợp vận chuyển hàng hóa và hành khách với tốc độ trung bình 200km/giờ”.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, TS Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, khẳng định, nếu xây dựng tàu tốc độ 200km/giờ thì các doanh nghiệp trong nước có thể tự làm được toa tàu, đường ray, điện động lực, xây dựng hạ tầng..., không phải phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Với quan điểm khác, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng Giám đốc TEDI (đại diện liên danh tư vấn phương án đề xuất đường sắt tốc độ 350km/giờ) cho biết, tư vấn đã bám sát chiến lược phát triển đường sắt Bắc - Nam của đất nước.
Theo ông, chiến lược đặt ra đến năm 2050, nên các chuyên gia “không nên xem xét với con mắt hiện tại”.
Đơn vị tư vấn đã ghi nhận xu hướng nhiều nước trên thế giới là tách tàu hàng và tàu khách, không chỉ chạy 300km/giờ mà còn đến 400-500km/giờ.
Lưu ý rằng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam gắn liền 20 tỉnh, thành, chứ không chỉ phục vụ 2 thành phố lớn, ông Sơn cung cấp thêm thông tin: “Thế giới đã chứng minh ở cự ly 300-800km, đường sắt tốc độ cao hoàn toàn có thể cạnh tranh với hàng không”.