Tiền SCIC thu về từ bán vốn Vinamilk, Sabeco sẽ đi đâu?
Tọa đàm “Thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, các vấn đề cổ đông, tranh chấp cổ đông” diễn ra ngày 1/12 (Ảnh: Minh Anh) |
Chiều ngày 1/12/2017, đã diễn ra tọa đàm “Thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, các vấn đề cổ đông, tranh chấp cổ đông”.
Nhờ Vinamilk, SCIC bán 1 đồng thu về 3,5 đồng
Từ khi thành lập đến 31/10/2007, SCIC đã tổ chức bán vốn tại 961 doanh nghiệp trên tổng số hơn 1.000 doanh nghiệp đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu. Trong đó, đã bán vốn tại 962 doanh nghiệp, bán một phần tại 80 doanh nghiệp, bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp.
Kết quả bán vốn thu được gấp 3,5 lần giá vốn (cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011-2015 là 1,48 lần) chủ yếu nhờ bán vốn của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM). Được biết, trước đợt bán vốn của Vinamilk, kết quả bán vốn mà Nhà nước thu được gấp khoảng 2,6 lần giá vốn
Tính đến 31/12/2016, so với thời điểm thành lập, doanh thu SCIC tăng lên gấp 65,4 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 9,5 lần; tổng tài sản tăng gấp 13,8 lần; lợi nhuận sau thuế tăng 61 lần; nộp ngân sách nhà nước tăng 41 lần; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân 13% mỗi năm. Riêng năm 2016 đạt 20,3%; tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản bình quân 6% mỗi năm.
Tổng số tiền đã thu về (cổ tức và thặng dư vốn) là gần 31.500 tỷ đồng, trong đó, lãi từ bán vốn đạt 5.360 tỷ đồng, đạt tỷ lệ trung bình 2,5X giá vốn (cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của các Tổng công ty, tập đoàn Nhà nước khác 1,5X).
Đa số các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh được cải thiện sau khi được bàn giao về SCIC. Số lượng doanh nghiệp thua lỗ thuộc diện kiểm soát đặc biệt chỉ chiếm 6,5%, tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu bình quân của các doanh nghiệp đạt 15-17%.
Tiền thu về từ bán vốn Vinamilk, Sabeco sẽ chuyển về ngân sách nhà nước
Khi được hỏi về chức năng SCIC sau khi thoái vốn hết tại các doanh nghiệp. Ông Lê Song Lai - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư Vốn Nhà nước (SCIC) cho hay, Tổng Công ty sẽ tiếp nhận các doanh nghiệp từ các bộ ban ngành, quản trị tái cơ cấu, tiến hành thoái vốn và thực hiện đầu tư. Trong thời gian tới, SCIC tiếp tục tăng cường đầu tư, điều hành theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tiền thu từ việc bán cổ phần sẽ hoạch toán vào doanh thu của SCIC, sau khi trừ đi các chi phí và trích quỹ sẽ chuyển về ngân sách nhà nước. Riêng về việc bán vốn 10 doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Bảo Minh, Sabeco… sẽ được hoạch toán trực tiếp về ngân sách nhà nước, không đưa về doanh thu của SCIC.
Công khai thông tin về thoái vốn còn nhiều hạn chế
Liên quan đến pháp lý pháp sinh trong quá trình thoái vốn, ông Lai cho biết, thông tin công khai các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn còn nhiều hạn chế do vướng mắc về pháp lý. Bên cạnh đó, SCIC không thể cung cấp những thông tin không công khai nếu gây ảnh hưởng đến giá trong trường hợp doanh nghiệp thoái vốn là công ty đại chúng.
Ông Lai cũng chia sẻ, lượng thông tin trong bản cáo bạch của các công ty đại chúng hiện rất ít so với thế giới.
Ngoài ra, vấn đề thoái vốn nhà nước từ bên bán vốn còn gặp một số rủi ro về 10% tiền đặt cọc, tỷ giá. Theo ông Lai, hiện nay việc đặt cọc chủ yếu vẫn bằng VNĐ, điều này gây ra một số vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp Trung Tâm lưu ký Chứng khoán cho phép nhà đầu tư được đặt cọc bằng USD trong đợi bán vốn vừa rồi của Vinamilk đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của đợt thoái vốn.