|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiền lương bình quân tại doanh nghiệp là bao nhiêu?

10:12 | 12/02/2024
Chia sẻ
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ và địa phương rà soát, nắm bắt về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ...) ngay sau Tết để có phương án kết nối cung cầu lao động.

Theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tiền lương bình quân năm 2023 tại các doanh nghiệp ước đạt 8,5 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2022 (8,25 triệu đồng/tháng).

Lao động trong lĩnh vực dệt may. Ảnh: XC

Trong đó, tiền lương tại Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 9,94 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp dân doanh là 8 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 9,27 triệu đồng/tháng.

Về thưởng Tết Dương lịch, có 47.625 doanh nghiệp đã thưởng Tết Dương lịch năm 2024 cho 1,877 triệu lao động; mức thưởng bình quân là 1,85 triệu đồng/người, tăng 49% so với thưởng dịp Tết Dương lịch năm 2023 (1,24 triệu đồng/người). Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2024 cao nhất là 376,3 triệu đồng/người thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh Vĩnh Phúc. Một số địa bàn khác có mức thưởng cao nhất tập trung tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: tại Trà Vinh là 220 triệu đồng/người, tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 307,7 triệu đồng/người, tại Hưng Yên là 192 triệu đồng/người...

Về thưởng Tết Nguyên đán, có 47.625 doanh nghiệp báo cáo về kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 cho 3,33 triệu lao động; mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương mức thưởng tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Mức thưởng tết Nguyên đán cao nhất năm 2024 là 5,68 tỷ đồng/người thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở tỉnh Long An. Một số địa bàn có mức thưởng cao tập trung tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: tại Đồng Nai là 1 tỷ đồng/người, tại Quảng Nam là 636,2 triệu đồng/người, tại Bà Rịa - Vũng Tàu là 528,43 triệu đồng/người...

Theo đại diện Bộ LĐTBXH, trong năm 2024, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức và bất lợi do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra trên thế giới. Tuy nhiên, xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới, khi nhu cầu thị trường thế giới tăng. Nhu cầu trong nước cũng đang phục hồi, đầu tư công và đầu tư tư nhân dự kiến sẽ phục hồi, cải cách tiền lương trong năm 2024 cũng sẽ tạo sức mua lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế. Thị trường lao động sẽ phục hồi trở lại.

Các thách thức về lao động, việc làm đi liền với thách thức về bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, Bộ LĐTBXH yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung, ưu tiên, quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu sau: Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ (Quyết định số 90/QĐ-LĐTBXH) thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Các đơn vị tập trung cao độ cho công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, góp phần hoàn thiện thể chế chung, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ khẩn trương tham mưu trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi, tháng 6/2024) và cho ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi, tháng 10/2024).

Các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực,; hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ; bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ; Rà soát, nắm bắt về tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ,...) ngay sau Tết để có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm.

 

Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế.

Đẩy mạnh các giải pháp hướng nghiệp, phân luồng, tuyển sinh đào tạo nghề; chú trọng đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng cao, kỹ năng cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

Các đơn vị, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời thiết thực các chính sách an sinh xã hội theo đúng quy định hiện hành, tập trung rà soát, nắm bắt tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa,… để thăm hỏi, quan tâm, kịp thời hỗ trợ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ bảo đảm ổn định đời sống dân sinh.

Rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn và tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024; triển khai thực hiện Nghị quyết số 108/2023/QH15 và Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phát động và triển khai phong trào cả nước cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát; phấn đấu trong hai năm 2024-2025 giải quyết căn bản xóa nhà tạm, nhà dột nát của người dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa.

Tập trung cho công tác giải ngân vốn thực hiện các chương trình, dự án năm 2024 đảm bảo tiến độ, chất lượng. Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024. Cập nhật tiến độ thực hiện, giải ngân theo từng tháng để báo cáo Bộ những tồn tại, khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư và đề xuất các biện pháp khắc phục.