Tiềm năng xuất khẩu hàng nông sản chế biến của Việt Nam sang Australia
Sau thành công của chương trình xúc tiến thương mại cho trái sầu riêng Việt Nam tại Australia trong các năm 2019 và 2020, Thương vụ Việt Nam tại Australia đang xúc tiến kế hoạch quảng bá, xây dựng thương hiệu và thúc đẩy gia tăng kim ngạch các mặt hàng nông sản chế biến khác của Việt Nam tại thị trường "xứ chuột túi".
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, hiện Thương vụ đã bắt đầu triển khai rộng rãi một số hoạt động tiếp thị tại những khu vực tập trung đông người dân châu Á và sẽ xem xét để mở rộng quy mô hơn nữa trong thời gian tới.
Mở đầu cho kế hoạch này là chương trình tiếp thị gừng đông lạnh Việt Nam thông qua các kênh truyền thông xã hội, website, phát tờ rơi tại cửa hàng, nhà hàng và quảng cáo tại các sự kiện thể thao, vui chơi giải trí có đông người tham dự.
Ông Nguyễn Phú Hòa, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, cho biết việc chọn gừng làm mặt hàng đầu tiên trong chuỗi chương trình xúc tiến hàng nông sản Việt Nam lần này vì gừng tươi tại Australia đang là một trong những mặt hàng khan hiếm, có giá bán lẻ rất cao khoảng 50 AUD/kg (39 USD/kg).
Năm 2020, Australia đã phải nhập khẩu gừng từ các nước nông nghiệp khác với tổng kim ngạch xấp xỉ 4 triệu USD. Đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng và có nhu cầu rất lớn, phù hợp với cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.
Qua khảo sát của Thương vụ, rất nhiều người Việt tại Australia, đặc biệt là chủ các cửa hàng bán lẻ thực phẩm, nông sản, chưa biết nhiều về mặt hàng gừng đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Trên thực tế, gừng Việt Nam đã có mặt ở đây từ vài năm trước. Giá bán lẻ của gừng già đông lạnh Việt Nam trên thị trường lớn nhất châu Đại dương dao động trên dưới 10 AUD/kg (7,8 USD/kg).
Mặc dù là đông lạnh, nhưng gừng Việt Nam vẫn giữ được mùi vị đậm đà vốn có và giá thành phải chăng, nên được người tiêu dùng rất ưa thích.
Ông Nguyễn Phú Hòa giải thích thêm, Australia hiện mới chỉ mở cửa thị trường cho 4 loại quả tươi của Việt Nam, bao gồm nhãn, vải, xoài và thanh long.
Vì vậy, việc đa dạng sản phẩm xuất khẩu, tìm kiếm các cơ hội mới thông qua thương mại nông sản chế biến là một trong những hướng đi nhiều ưu thế, dành cho các doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam.
Bằng chứng là trong năm 2019 và 2020, các lô hàng xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Australia đã được chào đón và tiêu thụ một cách nhanh chóng.
Gần đây nhất, sầu riêng RI6 cũng đã được Thương vụ tập trung quảng bá, xây dựng thành công một hình ảnh sầu riêng đặc trưng của Việt Nam, tạo hiệu ứng cạnh tranh với sản phẩm từ các nước khác.
Trong khuôn khổ giải Golf do cộng đồng người Việt tại Australia tổ chức ngày 25/4 ở thành phố Sydney (bang New South Wales), Thương vụ cũng đã phối hợp với Ban tổ chức để đặt biển quảng cáo và tiếp thị gừng đông lạnh Việt Nam, gây sự chú ý của các doanh nhân.
Trưởng cơ quan Thương vụ nhấn mạnh lựa chọn quảng bá sản phẩm tại các giải thể thao của cộng đồng người Việt tại Australia, là một trong những hướng đi mới, bên cạnh các chương trình xúc tiến truyền thống.
Hoạt động này tạo ra cơ hội quảng bá hiệu quả, không chỉ giúp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, mà qua đó còn nuôi dưỡng sự kết nối và gắn bó cộng đồng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong ba tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông sản rau quả từ Việt Nam sang Australia đã có mức tăng trưởng 39,97% so với cùng kỳ năm trước, đạt kim ngạch hơn 19 triệu USD.
Tuy nhiên, so với một số thị trường thế mạnh khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Australia hiện vẫn rất "khiêm tốn".
Nếu tận dụng được tốt các cơ hội, quốc gia lớn nhất khu vực châu Đại Dương sẽ là một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.