'Tiềm năng tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 là rất lớn'
|
Đó là nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) tại hội thảo Tổng quan thị trường tài chính Việt Nam năm 2016 ngày 10/11.
Ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát khẳng định mức tăng GDP năm 2017 có thể đạt mức 6,7%. Ủy ban này lưu ý, khả năng tăng trưởng có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường kinh tế, chính trị thế giới bất ổn. Đặc biệt, nếu TPP bị trì hoãn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư và dòng thương mại.
Tuy nhiên, theo NFSC, tăng trưởng đang dần ít phụ thuộc vào thương mại hàng hóa. Trước đây, một đơn vị tăng trưởng cần 1,2 đơn vị thương mại, hiện nay, vẫn 1 tăng trưởng nhưng chỉ cần dưới 1 đơn vị thương mại hàng hóa.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang có sự chuyển dịch động lực từ công nghiệp khai khoáng sang ngành chế biến chế tạo và dịch vụ. Đóng góp vào tăng trưởng của hai ngành chế biến chế tạo và dịch vụ rất rõ rệt, NFSC nhận xét.
Ngay chính ngành khai khoáng và nông nghiệp cũng sẽ thuận lợi hơn trong năm 2017 do giá năng lượng và nông sản thế giới được dự báo phục hồi.
NFSC dự báo tăng trưởng kinh tế năm tới sẽ được cải thiện nhờ vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực cho khu vực tư nhân.
"Khi đó, các chính sách tái cơ cấu thể hiện kết quả, dòng chảy kinh tế được lưu thông, các nguồn lực được tận dụng, tạo lập môi trường kinh doanh hiệu quả tạo, biến thành động lực để tăng trưởng kinh tế", ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch NFSC cho biết.
Cũng theo NFSC, tăng trưởng kinh tế đã được hỗ trợ từ hệ thống tài chính. Năm 2016, nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1% so với năm 2015, tương đương 170% GDP. Thông qua đó, lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đều tăng mạnh, thị trường chứng khoán tăng thêm 20%, vốn hoá thị trường đạt 38%GDP, cao hơn 5,6% so với năm ngoái.
Ngoài ra, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra con số dự báo lạm phát chung 4,5% cho năm 2016. Ông Phước lý giải, tăng lạm phát của Việt Nam chủ yếu đến từ giá dịch vụ y tế, giáo dục. Khoảng 3% lạm phát do điều chỉnh giá các dịch vụ công này, lạm phát thực chỉ khoảng 1,5%.
“Yếu tố tiền tệ đã được điều hành hợp lý trong năm 2016, không gây áp lực đối với lạm phát 2017”, phía NFSC nhận định.
Theo tính toán của NFSC, lạm phát cơ bản năm tới ở mức 1,85%. Như vậy, duy trì kiểm soát lạm phát dưới mức 5% là điều có thể làm được, ông Phước khẳng định.
Không đồng ý với điều này, cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng mức lạm phát 4,5% không thực tế. Hết tháng 10, lạm phát đã tăng 4% so với cuối năm 2015, chỉ cần 2 tháng còn lại lạm phát bằng mức 0,8% của tháng 10, cả năm 2016 sẽ vượt trần.
Với những yếu tố mà FNSC phân tích, theo ông Tuyển, khả năng đạt tăng trưởng 6,7% là chưa khả thi. Tăng trưởng thực tế sẽ thấp hơn mức tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính.