|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tỉ phú Mỹ: 70% kinh tế Mỹ suy thoái trước năm 2020

09:56 | 25/02/2018
Chia sẻ
2020 cũng là năm mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể bước ra tranh cử lần thứ nhì.
ti phu my 70 kinh te my suy thoai truoc nam 2020 IMF cảnh báo nguy cơ tăng lãi suất do cải cách thuế ở Mỹ
ti phu my 70 kinh te my suy thoai truoc nam 2020 CEO Goldman Sachs: Kinh tế Mỹ có thể quá nóng

Theo CNN, tỉ phú đầu tư Ray Dalio, người từng dự báo chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, vừa dự báo về tương lai kinh tế Mỹ khi xuất hiện tại Viện Chính trị Harvard Kenedy School: “Khả năng suy thoái kinh tế trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ kế tiếp là tương đối cao, khoảng 70%. Chúng ta sẽ có một cuộc khủng hoảng tài chính”.

ti phu my 70 kinh te my suy thoai truoc nam 2020
Ảnh: Reuters

Ông Dalio, chủ tịch Bridgewater Associates, cho rằng nỗ lực thúc đẩy kinh tế bằng cách hạ thuế mạnh và tăng cao chi tiêu có thể có tác dụng ngược lại. Dù nền kinh tế lúc này đang bùng nổ, ông Dalio lưu ý rằng có nhiều lý do để lo ngại, chẳng hạn như rủi ro lãi suất lên cao tác động đến giá tài sản.

Phố Wall đầu tháng này có chao đảo vì lo ngại lạm phát tăng buộc Fed phải kéo cao lãi suất. CEO Goldman Sachs Lloyd Blankfein nói ông e rằng tình hình chi tiêu mạnh tay của Tổng thống Mỹ sẽ khiến nền kinh tế trở nên quá nóng.

Tỉ phú Dalio thì nhận định kinh tế Mỹ đang trong giai đoạn “trước bong bóng”, cảnh báo rằng tình hình có thể nhanh chóng biến thành một quả bong bóng thực thụ trước khi vỡ tung.

Hẳn nhiên, không ai có thể dự báo chính xác khi nào suy thoái sẽ xảy ra và hiện kinh tế Mỹ không có bất cứ dấu hiệu suy thoái nào. Ông Dalio nổi tiếng nhờ cách quản lý đặc biệt là “sự minh bạch cơ bản”, trong đó có việc ghi âm lại hầu hết các cuộc họp. Hãng Bridgewater quản lý khoảng 160 tỉ USD giá trị tài sản, từng tuyển dụng cựu giám đốc FBI James Comey, được gọi là “quỹ phòng hộ kỳ lạ nhất thế giới”.

Ngoài ra, nhà đầu tư này cũng hiểu rõ ít nhiều về các đợt lao dốc kinh tế. Năm 2007, ông cảnh báo chính quyền Tổng thống Mỹ Geogre Bush rằng nhiều nhà băng lớn nhất thế giới có thể sẽ vỡ nợ, theo bài báo trên tờ The New Yorker vào năm 2011. Một cuộc suy thoái xảy ra trước tháng 11.2020 không phải là nhận định điên rồ vì dù thế nào, thời đoạn ăn nên làm ra cũng không thể kéo dài mãi.

Hồi tháng 5.2017, đà hồi phục kinh tế từ đợt Đại suy thoái biến thành đợt phát triển kinh tế dài nhất lịch sử Mỹ. S&P Global Ratings viết trong báo cáo gần đây rằng đà phục hồi kinh tế có thể sẽ kéo dài đến mùa hè năm 2019. Hãng đầu tư Guggenheim Partners tại New York (Mỹ) cũng dự báo rằng cuộc suy thoái kế tiếp sẽ xảy ra vào cuối năm 2019 hoặc năm 2020.

70% các nhà đầu tư được ngân hàng Merrill Lynch thuộc Bank of America khảo sát cho rằng kinh tế toàn cầu đang ở “cuối chu kỳ”. Đây là tỷ lệ đồng thuận ý kiến tiêu cực cao nhất từ tháng 1.2008. Ông Dalio đồng ý với quan điểm trên. Cuối chu kỳ không có nghĩa là thời đoạn tốt đã kết thúc, nhưng đồng nghĩa với việc nhà tuyển dụng sẽ chật vật tuyển dụng lao động, thúc đẩy lương và lạm phát lên mức cao khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lo lắng.

Lạm phát ở mức thấp một cách bí ẩn trong nhiều năm qua, và các dấu hiệu về việc lương bổng, lạm phát tăng giá khiến một số chuyên gia Phố Wall lo ngại. Lạm phát có thể tăng quá mức, và Fed có thể đẩy lãi suất lên quá nhanh, khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Ông Dalio cho rằng đợt suy thoái kế tiếp có thể phức tạp hơn vì khoảng cách người giàu, người nghèo ở Mỹ ngày càng tăng. Theo ông, có một nền kinh tế dành cho top 40% giàu nhất Mỹ, và một nền kinh tế dành cho 60% người nghèo hơn. Dù vậy, Mỹ chỉ có một ngân sách liên bang, dẫn đến mâu thuẫn về việc “chia bánh”. Ông nói rằng mình sợ một cuộc suy thoái, phần nhiều vì Mỹ hiện tồn tại hai nền kinh tế.

Thu Thảo