|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thuế độc thân có thể khiến nhiều người châu Âu cảm thấy bị cô lập và kỳ thị?

21:00 | 02/09/2024
Chia sẻ
Từ chi phí nhà ở đến đi lại, người độc thân thường phải chịu chi phí cao hơn so với người có bạn đời, điều này có thể trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt đang lan rộng khắp châu Âu.
 

Ngày 14/2/2024, một câu lạc bộ thể dục tại Brussels, Bỉ đã gửi một ưu đãi đặc biệt cho các thành viên của mình vào ngày dành riêng cho các cặp tình nhân: “Thêm người tình vào tư cách thành viên của bạn. Tập thể dục cùng nhau sẽ thi vị gấp đôi.” Tuy nhiên, giá lại không tăng gấp đôi.

Đây chỉ là một ví dụ minh họa cho một vấn đề lớn hơn được gọi là “thuế độc thân,” ám chỉ gánh nặng tài chính đa dạng mà các hộ gia đình độc thân đang phải chịu.

Theo một nghiên cứu của công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, chi phí sinh hoạt hàng năm của những người độc thân ở Vương quốc Anh cao hơn 11.695 euro so với những người có bạn đời.

Tương tự, vào năm 2019, Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp phát hiện ra rằng với thu nhập ngang nhau, mức sống của một cặp đôi cao hơn 1,5 lần so với người độc thân, qua đó bác bỏ quan điểm cho rằng những người sống một mình có thu nhập tốt hơn.

Từ chi phí nhà ở đến chi phí đi lại, người độc thân thường phải chịu chi phí cao hơn so với người có bạn đời, điều này có thể trở nên tồi tệ hơn do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang lan rộng khắp châu Âu hiện nay.

Trong vài năm qua, những người độc thân ở Anh và châu Âu đã phải chịu chi phí gia tăng một cách không cân xứng so với các cặp đôi hoặc gia đình. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện của một thuật ngữ mới: thuế độc thân, còn được gọi là hình phạt độc thân, dùng để chỉ tất cả các chi phí phát sinh mà những người không có đôi phải đối mặt.

Điều này có thể thấy ở hầu hết mọi thứ, từ khoản vay thế chấp và hóa đơn đến chi phí cho du lịch và các hoạt động giải trí, đặc biệt là đối với những người độc thân không có con.

Theo chuyên gia trị liệu hôn nhân và gia đình Sophie Cress, tác động của Thuế độc thân có thể vượt xa gánh nặng tài chính.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

 

"Thuế độc thân có thể gây ra hậu quả vượt ra ngoài vấn đề tiền bạc, ảnh hưởng đến các mối quan hệ và quá trình ra quyết định của mỗi người.

Tỷ lệ ngày càng tăng của những lựa chọn người duy trì các mối quan hệ vì lý do tài chính cho thấy áp lực xã hội và kinh tế mà những người độc thân phải đối mặt.

Thuế độc thân có thể khiến họ cảm thấy bị cô lập và kỳ thị về mặt xã hội. Nguyên nhân là do xã hội có xu hướng coi trọng các mối quan hệ lãng mạn và các đơn vị gia đình hơn, khiến những người thân cảm thấy mình bị gạt ra ngoài lề.

Kết quả là, những cá nhân này có thể cảm thấy mình không đủ năng lực hoặc không hạnh phúc, do chuẩn mực cuộc sống là hạnh phúc và sự viên mãn lại chủ yếu đạt được thông qua các mối quan hệ lãng mạn," Cress cho biết.

Những "con bò sữa" của xã hội

Nhưng chính xác thì những bất lợi về tài chính này biểu hiện như thế nào? Trước hết, các cơ quan thuế quốc gia có xu hướng ưu tiên những người đã kết hôn và các gia đình thông qua các khoản khấu trừ và các lợi ích khác.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, một so sánh quốc tế năm 2023 về gánh nặng thuế đối với những người độc thân cho thấy các quy tắc đánh thuế của Bỉ và Đức là nghiêm ngặt nhất, với mức thuế thu nhập lần lượt là 53% và 47,8%.

Trong nhiều trường hợp, các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác cũng ít muốn cấp các khoản vay và thế chấp cho những người độc thân, ngay cả khi họ có công việc ổn định, lương cao và khoản thanh toán ban đầu khá cao cho khoản thế chấp. Điều này có thể khiến mọi người khó có thể tự mua nhà.

Hóa đơn mua sắm sinh hoạt cũng có thể cao hơn nhiều, vì các mặt hàng được đóng gói theo khẩu phần ăn từ hai đến bốn suất. Khi ăn ngoài, những người độc thân cũng ít có khả năng tận dụng các ưu đãi dành cho các cặp đôi hoặc gia đình.

Điều này cũng áp dụng cho các khách sạn và các hoạt động nghỉ dưỡng khác, khi một người đi một mình sẽ bỏ lỡ các khoản giảm giá đáng kể cho nhóm.

Tổ chức Ocean Finance của Anh ước tính rằng những người độc thân phải trả thêm khoảng 200 bảng Anh mỗi tháng cho các hóa đơn - bao gồm cả nhà ở - so với khi họ có một người lớn khác để chia sẻ chi phí. Tương tự như vậy, họ chi thêm khoảng 15 bảng Anh cho thực phẩm và rượu, thêm 39,5 bảng Anh cho các kỳ nghỉ và thêm 26,4 bảng Anh cho các gói đăng ký.

Luật thừa kế cũng có thể gây bất lợi cho những người độc thân. Ví dụ, tại thủ đô Brussels của Bỉ, thuế thừa kế mà những người độc thân phải trả có thể cao gấp đôi so với bố mẹ hoặc người đã kết hôn phải trả.

Trong khi cha mẹ có thể để lại tài sản cho con cái với mức thuế suất là 30% thì một người được cha mẹ đỡ đầu đơn thân để lại tài sản có thể sẽ chịu mức thuế suất cao đến 80%.

“Những người độc thân đang tài trợ chéo rất nhiều cho các gia đình, và người dân nói chung đều không thừa nhận điều này,” Sylvia Locher, chủ tịch của Pro Single Switzerland, một tổ chức bảo vệ quyền của những người sống một mình, cho biết.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Parliament, Locher thừa nhận rằng nuôi con rất tốn kém. “Nhưng khi bạn sống một mình, chi phí bình quân đầu người cao hơn nhiều vì bạn phải tự mình chịu các gánh nặng,” bà nói.

“Là một người độc thân, bạn không bao giờ đủ điều kiện để được hưởng bất kỳ quyền lợi nào. Những người độc thân là những con bò sữa của xã hội.”

Các chính sách không nên thiên vị hay trừng phạt, và đối xử bình đẳng với mọi lối sống

Ngoài những bất lợi về mặt chính trị của nhiều chế độ thuế, những người độc thân cũng phải đối mặt với sự phân biệt đối xử về kinh tế trên thị trường tư nhân. Nhà ở, gói cước điện thoại di động, thẻ thành viên phòng tập thể dục, đăng ký Internet…

Trong khi các công ty thường cung cấp nhiều gói giảm giá cho các gia đình và cặp đôi, thì những người độc thân thường phải trả đầy đủ tiền.

Đồng thời, số lượng các hộ độc thân đang ngày càng tăng. Theo cơ quan thống kê Eurostat của EU, số lượng người độc thân đang gia tăng trên 27 quốc gia thành viên của khối này, trong khi số lượng trung bình những người sống chung trong một hộ gia đình dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tương lai.

Theo dữ liệu của Eurostat, từ năm 2009 đến 2022, số hộ gia đình một người đã tăng tới 30,7% trên toàn EU, và là loại hộ gia đình phổ biến nhất ở EU, chiếm khoảng 71,9 triệu người.

Tại Bỉ, một nghiên cứu gần đây của Cục Kế hoạch Liên bang của nước này đã kết luận rằng số hộ gia đình một người đã chiếm đa số ở hầu hết các thành phố và đô thị, tăng gấp 10 lần so với những năm 1990.

Khi số lượng người độc thân tăng lên, thì các tổ chức đấu tranh đòi đối xử bình đẳng cho họ cũng đã xuất hiện, trong khi các nhà nghiên cứu và các chính trị gia cũng bắt đầu chú ý tới vấn đề này.

Carla Dejonghe, một thành viên của quốc hội địa phương tại Brussels, người đã làm việc về vấn đề này trong một thời gian dài, cho biết: "Tôi đã như thể một mình nhét vào sa mạc trong rất nhiều năm."

Mục tiêu của Dejonghe là nâng cao nhận thức về việc người độc thân đang bị phân biệt đối xử dưới những hình thức khác nhau. Cô cho rằng đã đến lúc xóa bỏ hình tượng sáo rỗng của những người độc thân hạnh phúc trong bộ phim truyền hình nổi tiếng “Sex and the City.”

“Nhiều người sống cuộc sống độc thân một cách không tự nguyện. Mẹ tôi là một góa phụ và bà chưa bao giờ có ý định sống một mình trước khi bố tôi qua đời. Chúng ta cần nhận ra rằng điều này có thể xảy ra đối với bất kỳ ai.”

Locher của Pro Single Switzerland cũng chỉ trích sự thiếu quan tâm của chính trị đối với vấn đề này, khi cho biết một báo cáo toàn diện về tình hình của các gia đình được công bố hai năm một lần tại Thụy Sĩ thậm chí còn dài chưa đến 20 trang, cho thấy một sự phân biệt đối xử rất rõ ràng. Trong khi các chính trị gia rất cần phiếu bầu của những người như họ.

Mặc dù các hộ gia đình độc thân chiếm một phần lớn trong xã hội, nhưng cho đến nay họ vẫn chưa nổi lên như một thế lực chính trị mạnh mẽ.

Annukka Lahti, một nhà nghiên cứu khoa học xã hội tại Viện Hàn lâm Phần Lan, đã xem xét phạm vi đưa tin của phương tiện truyền thông về những người độc thân trong nước. Phát hiện lớn nhất của bà là gì? Đó là tình trạng độc thân không bị chính trị hóa, trái ngược với các cách sống khác biệt khác.

“Mặc dù độc thân là một lựa chọn khá phổ biến, nhưng nếu so sánh với LGBTQ+ thường được kết nối với các tổ chức chính trị, thì tình trạng độc thân lại thường được coi như là một vấn đề cá nhân.”

Sau cùng, các hộ độc thân thường rất đa dạng, từ sinh viên đến người đã nghỉ hưu. Theo Locher, sự khác biệt này càng trở nên rõ ràng khi nhóm vận động của bà soạn thảo các đề xuất chính sách, và việc để những chính sách này phù hợp với tất cả mọi đối tượng cũng đồng nghĩa với việc nó kém hiệu quả hơn.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

 

Tuy nhiên, những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện. Từ điển Cambridge đã có từ “singlism,” một thuật ngữ do Bella DePaulo, một nhà khoa học xã hội người Mỹ, đặt ra. Bà là người đã viết một bài báo năm 2007 mở đường cho việc đưa ra bằng chứng đầu tiên về sự phân biệt đối xử với những người độc thân.

Theo Lahti, ngày càng có nhiều nghiên cứu về những người độc thân xuất hiện, đặc biệt là ở Mỹ, cũng như ở Ấn Độ và Nhật Bản. "Sự thay đổi đang diễn ra. Nó đang được chủ đề hóa," bà nói.

Sống một mình rất phổ biến – chỉ là chúng ta vẫn chưa bắt kịp với thực tế

Locher của Pro Single Switzerland cho biết các chính trị gia và giới truyền thông cũng bắt đầu quan tâm đến các hộ độc thân. "Các chính trị gia nhận ra rằng có rất nhiều người như chúng tôi và họ cần phiếu bầu của chúng tôi," bà nói

Trong khi đó, Dejonghe đang ăn mừng một chiến thắng nhỏ nhưng quan trọng ở Bỉ, khi Woluwe-Saint-Pierre trở thành thành phố đầu tiên trong cả nước đánh giá tác động của các chính sách của mình đối với cư dân độc thân. “Các chính sách không nên thiên vị hay trừng phạt, và phải đối xử bình đẳng với mọi lối sống,” Dejonghe nói.

Những thay đổi này bao gồm nhà ở mới với nhiều không gian cộng đồng hơn để những người độc thân có thể tương tác xã hội, nhà hàng có bàn ăn chung…

"Mọi người đều có thể đóng góp, không chỉ các chính trị gia. Các nhà hàng địa phương có thể xây dựng các chính sách thân thiện với người độc thân. Tại nơi làm việc, có thể đảm bảo tôn trọng mong muốn của mọi người," Dehonghe cho biết.

Ở cấp độ châu Âu, tình hình còn ảm đạm hơn. Khi được hỏi về tác động của các chính sách EU đối với những người độc thân, một phát ngôn viên của ủy ban bình đẳng của Nghị viện châu Âu đã chỉ ra các báo cáo gần đây mà ủy ban này đã ủy quyền về tình hình của các bà mẹ đơn thân, cha mẹ đơn thân và phụ nữ. Không có báo cáo nào tập trung cụ thể vào những người độc thân không có con.

Đối với Lahti, nhà nghiên cứu người Phần Lan, những cặp đôi đã kết hôn vẫn giữ một địa vị chuẩn mực rất cụ thể trong xã hội. “Điều đó khiến những cách sống khác có vẻ không chuẩn mực,” bà nói. “Nhưng sống một mình rất phổ biến – chúng ta vẫn chưa bắt kịp với thực tế”.

Hà Lê