Thuế chống bán phá giá của Mỹ và Thái chưa ảnh hưởng rõ ràng đến DN thép niêm yết
Mới đây, một số nhà sản xuất thép Trung Quốc đã nộp đơn kiện chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp (CTC) tới DOC đối với các sản phẩm thép cán nguội (CRC) và tôn mạ từ Việt Nam đến các thị trường này.
Bên cạnh đó, Cục Ngoại thương (DFT) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan đã có kết luận điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế chống bán phá giá dự kiến có thể áp dụng với các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam từ 7,94%-40,49%.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cho biết, theo lãnh đạo HSG, việc điều tra chống lẩn tránh thuế CBPG và thuế CTC các sản phẩm tôn mạ và thép CRC chủ yếu tập trung vào hai doanh nghiệp đang nhập thép cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và sản xuất thành CRC và tôn mạ thành phẩm rồi xuất sang Mỹ là CTCP China Steel Sumikin Vietnam (CSVC) và Tập đoàn Posco Việt Nam.
Theo đạo luật 19 U.S Code 1677j, chống lẩn tránh thuế CBPG và CTC của Mỹ, có nhiều yếu tố để cân nhắc xem một doanh nghiệp khi xuất khẩu sản Mỹ có tránh thuế CPG hay không. Theo VPBS, HSG nhập khẩu HRC từ Trung Quốc và nhiều quốc gia khác, công ty phải thực hiện nhiều công đoạn để sản xuất tôn mạ thành phẩm trước khi xuất qua Mỹ. Vì vậy, chưa có bằng chứng rõ ràng rằng tôn mạ HSG sẽ bị áp thuế chống bán phá giá như các doanh nghiệp sản xuất thép khác đang tránh thuế CBPG.
Trong trường hợp xấu nhất HSG bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất tại Mỹ, mức thuế này sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động xuất khẩu của HSG. Theo VPBS, qua trao đổi với HSG, công ty có khả năng chuyển sang thị trường xuất khẩu khác với biên lợi nhuận cao hơn khi thị trường này đóng cửa do thuế chống bán phá giá được áp dụng.
Trong khi đó, với thị trường Thái Lan, theo VPBS, kể từ khi Thái Lan thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn lạnh từ Việt Nam vào tháng 9/2015, HSG đã ngừng xuất khẩu qua thị trường này. Theo HSG, sự sụt giảm sản lượng xuất khẩu qua Thái Lan không ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của công ty.
Đến thời điểm tháng 9/1016, khi thuế chống bán phá giá được công bố, HSG đã nhận được nhiều đơn hàng mới từ các nhà nhập khẩu Thái, chủ yếu do mức thuế cho từng doanh nghiệp đã được xác định cụ thể và không ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp Thái Lan khi nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm tôn lạnh Hoa Sen.
Còn về HPG, VPBS lưu ý rằng các mức thuế chống bán phá giá này không ảnh hưởng đến CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) do sản phẩm xuất khẩu chính của HPG là thép dài và thép ống. Mới đây, vào tháng 6/2016, US DOC đã công bố quyết định sơ bộ đối với việc điều tra chống bán phá giá ống thép hàn carbon nhập khẩu vào thị trường Mỹ, trong đó HPG là công ty duy nhất của Việt Nam chỉ phải chịu mức thuế thấp là 0,38% khi xuất khẩu các mặt hàng này qua Mỹ.
Sản lượng bán ra của thép xây dựng và thép ống ước tính đạt lần lượt là 426.000 và 125.000 tấn trong Q3/2016, tăng 25,4% và 39,4% so với cùng kỳ năm ngoái, do vậy VPBS dự báo lợi nhuận ròng của HPG sẽ đạt xấp xỉ 2.000 tỷ trong kỳ, tăng 93,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù các loại thuế chống bán phá giá kể trên chưa ảnh hưởng rõ ràng đến các doanh nghiệp sản xuất thép Việt Nam như HSG và HPG, nhưng trong dài hạn hai doanh nghiệp này có thể bị ảnh hưởng do những nước nhập khẩu thép từ Việt Nam sẽ lợi dụng lý do “chống tránh thuế CBPG và CTC” để áp thuế lên các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam. VPBS hy vọng Bộ Công thương sẽ có những chính sách kịp thời để hạn chế các hoạt động tránh thuế CBPG và CTC từ các nước khác như Trung Quốc.
Theo Bình An