|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thực trạng đầu tư công tại TP Đà Nẵng giai đoạn 2003 – 2017

06:55 | 11/02/2019
Chia sẻ
Trong 15 năm qua (2003 - 2017), với quy mô ngày càng lớn, cơ cấu đầu tư theo hướng tích cực, đầu tư công đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của TP. Đà Nẵng.
thuc trang dau tu cong tai tp da nang giai doan 2003 2017
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đạt được, thực tiễn cho thấy, đầu tư công của TP. Đà Nẵng vẫn chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn. Bài viết đánh giá thực trạng đầu tư công ở TP. Đà Nẵng giai đoạn 2003 – 2017, nhận diện những tồn tại, khó khăn trong lĩnh vực này, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư công trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Tình hình đầu tư công tại TP. Đà Nẵng giai đoạn 2003 – 2017

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trong 15 năm qua (từ năm 2003 - 2017) ở TP. Đà Nẵng đạt 71.874 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 14%. Trong đó: Nguồn ngân sách Thành phố là 13.560 tỷ đồng; tốc độ tăng bình quân hàng năm là 18%; Nguồn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là: 4.323 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 17%; Nguồn vốn ODA là 2.671 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm là 26%. Đặc biệt chi từ nguồn thu tiền sử dụng đất trong 15 năm qua tại TP. Đà Nẵng cho XDCB là gần 35.260 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư XDCB của Thành phố và trở thành nguồn lực chủ yếu để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Sau 15 năm, nguồn vốn đầu tư XDCB trên địa bàn Thành phố đã tăng gấp 7 lần với tổng số dự án được phê duyệt vào khoảng 2.500 dự án. Nhiều công trình, dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả, góp phần mở rộng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng của Thành phố, bộ mặt của đô thị được thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Các dự án đầu tư công đã kịp thời phục vụ tốt những nhu cầu cấp thiết của nhân dân về giao thông, nhà ở, nhà làm việc, trung tâm thương mại…

Cụ thể, với chủ trương hạ tầng đi trước một bước, Đà Nẵng đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển và hiện đại hóa hệ thống giao thông. Đến cuối năm 2017, toàn Thành phố có 2.171 tuyến đường, với tổng chiều dài trên 1.260km, so với năm 2003, số tuyến đường tăng 1.894 tuyến đường (gấp 8 lần), chiều dài tăng 793 km (gấp 3 lần). Hàng chục cây cầu được cải tạo và xây dựng mới, nhiều cây cầu mới đã tạo động lực phát triển cho phía Đông Đà Nẵng như: Cầu Thuận Phước, cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn, cầu Hòa Xuân, cầu Nguyễn Tri Phương...

Việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân cũng được lãnh đạo Thành phố quan tâm thực hiện. Đến nay, Đà Nẵng đã xây dựng hơn 320 khu tái định cư, bố trí tái định cư 128.642 lô đất cho hơn 110.000 hộ dân. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình “Có nhà ở” và Đề án “7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp”, đến nay, Thành phố đã bàn giao đưa vào sử dụng trên 10.600 căn hộ. Chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng với 1.146 phòng đáp ứng nhu cầu cho khoảng 6.876 sinh viên giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội và ổn định xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, họa động đầu tư công trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế sau:

Thứ nhất, hoạt động đầu tư công chưa bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH), chưa tuân thủ quy hoạch chung của Thành phố. Vẫn còn nhiều công trình, dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển KT-XH của Thành phố dù quy hoạch đã được phê duyệt, nhưng chưa được quan tâm triển khai thích đáng làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển chung của Thành phố. Nhiều đồ án, dự án chưa tuân thủ quy hoạch chung, trong quá trình triển khai thực hiện thì điều chỉnh nhiều lần, tác động tiêu cực đến chiến lược phát triển KTXH của Thành phố.

Thứ hai, vẫn còn tồn tại bất cập về huy động nguồn lực, cơ cấu, phân bổ, thanh quyết toán theo kế hoạch đầu tư công. Cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Đà Nẵng vẫn chưa vượt trội so với các tỉnh thành khác, dẫn tới chưa tạo được nguồn lực cho đầu tư. Thêm vào đó, Thành phố chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động tối đa, hiệu quả những nguồn vốn xã hội. Điển hình như: Việc huy động các nguồn lực đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, hợp đồng xây dựng, vận hành, chuyển giao, hợp đồng xây dựng kinh doanh chuyển giao, hợp đồng xây dựng - chuyển giao… vẫn còn lúng túng dẫn đến phụ thuộc, trông chờ vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Nguồn vốn nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nguồn thu tiền sử dụng đất đã trở thành nguồn lực chủ yếu (chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển); Cơ cấu đầu tư theo ngành, lĩnh vực vẫn còn chưa tương xứng. Chi cho công tác khai thác quỹ đất, đầu tư các khu tái định cư; chi đầu tư giao thông công chính chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn vốn đầu tư thời gian qua nhưng chi cho lĩnh vực khác như văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục còn rất thấp. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công hàng năm còn thấp, giảm dần qua các năm (đặc biệt là 03 năm gần đây). Cụ thể, tỷ lệ giải ngân năm 2015 đạt 94%; năm 2016 đạt 84%; năm 2017 đạt 76% tổng vốn đầu tư XDCB.

Thứ ba, chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hiệu quả công trình chưa cao. Công tác tư vấn, khảo sát, lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán còn nhiều hạn chế; công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán của một số sở, ngành chức năng vẫn còn bất cập. Ví dụ: Năm 2017, bộ phận thẩm định của Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng chỉ có 8 người nhưng phải tiếp nhận và giải quyết 1.104 hồ sơ. Như vậy, trung bình mỗi ngày Sở Xây dựng phải thẩm định 4,6 dự án/1 ngày.

Áp lực công việc lớn dễ dẫn đến tình trạng việc thẩm tra chỉ mang tính hình thức, chất lượng không cao, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Việc lựa chọn nhà thầu tuy có công khai, minh bạch tạo nên chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tình trạng chỉ định thầu không đúng quy định. Công tác kiểm tra, giám sát thiết kế, giám sát thi công, tổ chức nghiệm thu chưa chặt chẽ, mang tính hình thức; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên. Nhiều công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng thiếu quan tâm tổ chức thực hiện công tác bảo trì, duy tu, bảo dưỡng theo quy định nên xuống cấp nhanh, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư, khai thác và sử dụng.

Thứ ba, Thành phố vẫn chưa ban hành văn bản cụ thể về Bộ thủ tục hành chính “một cửa liên thông” đối với lĩnh vực đầu tư công. Điều này dẫn đến vẫn chưa có sự phân định về thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thời gian triển khai các thủ tục trên lĩnh vực này, gây khó khăn cho việc thực hiện nói chung và công tác kiểm tra, giám sát nói riêng.

Thứ tư, việc phân cấp đầu tư cho các quận, huyện chưa mạnh mẽ. Việc phân cấp đầu tư cho các quận, huyện đã được quan tâm, tuy nhiên vẫn chưa đủ mạnh, chưa triệt để. Nguồn vốn phân cấp cho 7 quận, huyện trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư tại các địa phương còn rất lớn, hàng năm, các quận, huyện xin bố trí vốn Thành phố để quận, huyện đầu tư các công trình nhỏ (như cải tạo một số phòng học, điện chiếu sáng, cải tạo kiệt, hẻm…).

Việc này làm thiếu tính chủ động trong đầu tư của quận huyện, tiếp tục thực hiện theo cơ chế “xin - cho”. Bên cạnh đó, một số công trình quy mô nhỏ xuất phát từ nhu cầu của địa phương nhưng vẫn giao cho các sở làm chủ đầu tư trong khi các quận, huyện đủ khả năng quản lý là chưa hợp lý, dẫn đến chồng chéo về chức năng.

Giải pháp đẩy mạnh đầu tư công tại TP Đà Nẵng

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP. Đà Nẵng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1866/QĐ-TTg ngày 08/10/2010 và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ XXI, định hướng đầu tư công ở Đà Nẵng trong thời gian tới tập trung vào các nội dung sau:

Tập trung đầu tư NSNN phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; Thu hút đầu tư vào công nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông tin; Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; Xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng Thành phố môi trường; Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, y tế, văn hoá – xã hội và đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để đảm bảo đúng định hướng và nâng cao hiệu quả đầu tư công tại TP. Đà Nẵng, chính quyền địa phương cần đề ra hệ thống giải pháp nhằm giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên. Cụ thể như sau:

Một là, cần sớm sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định của Trung ương và địa phương cho phù hợp với thực tế. Hiện nay, các quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản Luật khác vẫn tồn tại nhiều điểm chưa hợp lý, không sát với thực tiễn, còn nhiều bất cập, chồng chéo. Cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương cần sớm sửa đổi, bổ sung các văn bản này để tạo sự thuận lợi và thống nhất trong triển khai thực hiện.

Đối với địa phương, cần rà soát sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định số 15/2016/QĐ-UBND ngày 20/5/2016 của UBND Thành phố cho phù hợp với các quy định của thực tiễn. Xây dựng và ban hành quy định Bộ thủ tục hành chính “một cửa liên thông” về đầu tư công tại các dự án thông thường trên địa bàn Thành phố.

Hai là, tập trung ưu tiên đầu tư cho các công trình trọng điểm tạo động lực phát triển KT-XH. Rà soát, đánh giá lại toàn bộ các quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch ngành, lĩnh vực của Thành phố theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXI để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, lập danh mục các công trình trọng điểm tạo động lực phát triển KT-XH. Trên cơ sở đó tập trung vốn để thực hiện các dự án có ý nghĩa động lực, lan tỏa đối với sự phát triển KT-XH khu vực miền Trung và Tây Nguyên như công trình cải tạo, nâng cấp mở rộng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng; Làng Đại học Đà Nẵng...

Ba là, đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư toàn xã hội. Thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân ngoài nhà nước tham gia đầu tư. Giảm dần tỷ trọng đầu tư từ NSNN bằng các biện pháp cụ thể, thiết thực như: Rà soát đánh giá, phân tích và lập danh mục các dự án có khả năng chuyển đổi sang các hình thức đầu tư khác như: Xã hội hóa, hợp tác công tư...; Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư công của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; Tạo môi trường đầu tư thông thoáng; đẩy mạnh công khai, minh bạch, đơn giản hoá chính sách, pháp luật cũng như các quy định về thủ tục hành chính về đầu tư; Cung cấp công khai, đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về kinh tế vĩ mô, quy hoạch, kế hoạch phát triển, dự án đầu tư nhà nước... của Thành phố đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Tăng cường nâng cao chất lượng hồ sơ tư vấn thiết kế, dự toán.

Bốn là, đẩy mạnh việc phân cấp về vốn và thủ tục đầu tư cho các quận, huyện; Bổ sung tiêu chí công trình trọng điểm do cấp quận, huyện, phường xã quản lý; Thực hiện việc quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động đầu tư công. Trong đó, tập trung kiểm tra lại toàn bộ số dự án, công trình đã nghiệm thu đưa vào sử dụng, hoặc đã đưa vào sử dụng nhanh chóng hoàn chỉnh thủ tục quyết toán và tất toán dứt điểm, không để kéo dài; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đầu tư xây dựng.

Đẩy mạnh giám sát, phản biện và kiểm tra, tố giác, xử lý kịp thời và nghiêm khắc các vi phạm đầu tư công bằng các chế tài cụ thể; Nêu cao vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư, nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án và các tổ chức có liên quan đến dự án; Xây dựng và ban hành quy trình giám sát theo đúng quy định và quy trách nhiệm cụ thể đối với những trường hợp để xảy ra thất thoát, chất lượng kém.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị “về xây dựng và phát triển TP. Ðà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”;
  2. Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH TP. Ðà Nẵng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1866/QÐ-TTg ngày 08/10/2010;
  3. Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về hoạt động đầu tư công trên địa bàn TP. Ðà Nẵng giai đoạn 2003 - 2017 của HÐND Thành phố;
  4. Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ TP. Ðà Nẵng lần thứ XXI nhiệm kỳ 2015-2020;
  5. Quyết định số 15/2016/QÐ-UBND ngày 20/5/2016 của UBND TP. Ðà Nẵng quy định một số nội dung về mua sắm, quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn TP. Ðà Nẵng.

ThS. Trương Thị Điệp - Trường Chính trị TP. Đà Nẵng

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.