Thúc tiến độ giải ngân vốn giao thông
Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, dịch Covid-19 hoành hành khiến nhiều ngành kinh tế thiệt hại nặng nề, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để giúp thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng.
Để quyết liệt thực hiện, Bộ GTVT sẽ lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm thước đo để đánh giá đội ngũ cán bộ, nhất là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan.
Nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong hai tháng đầu năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước vẫn rất thấp, mới đạt khoảng 34.749 tỷ đồng (đạt 7,3%).
Đối với ngành GTVT, tính đến hết ngày 29/2, số vốn đầu tư công đã giải ngân chỉ được khoảng 603 tỷ đồng (đạt 1,7% kế hoạch). Rõ ràng, nếu so với mức bình quân của cả nước và thời điểm cùng kỳ năm ngoái (2 tháng đầu 2019 giải ngân được 1.839 tỷ đồng), con số này là quá thấp.
Để làm rõ thực trạng này, PV Báo Giao thông gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, những người trong cuộc đều cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên chủ yếu xuất phát từ việc phần vốn bố trí cho công tác GPMB các dự án cao tốc Bắc - Nam chưa thể giải ngân do chờ địa phương hoàn thiện thủ tục, phê duyệt phương án đền bù.
Hơn nữa, trong tháng 1/2020, hầu hết các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải dồn lực giải ngân phần khối lượng còn lại của năm 2019. Ngoài ra, các khối lượng có nhu cầu giải ngân bằng kế hoạch năm 2020 không kịp làm thủ tục với Kho bạc Nhà nước trong tháng 2/2020 do trùng thời điểm nghỉ Tết Âm lịch.
Ông Vũ Đức Thịnh, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban QLDA 6) cho biết, trong số 2.687 tỷ đồng vốn kế hoạch Bộ GTVT giao, riêng phần vốn bố trí để phục vụ chi trả đền bù GPMB hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt chiếm 1.550 tỷ đồng (khoảng 60%).
Tuy nhiên, để giải ngân phần vốn này phải trải qua rất nhiều thủ tục, trình tự phức tạp theo quy định của pháp luật, không phải cứ giao vốn là giải ngân được ngay.
Theo ông Thịnh, trong hai tháng đầu năm 2020, các địa phương chủ yếu hoàn thiện thủ tục phê duyệt phương án đền bù đối với phần đất ở, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, khu tái định cư... dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2020.
Khác với công đoạn thi công, có khối lượng là sẽ giải ngân được ngay, đối với công tác đền bù GPMB, việc giải ngân sẽ thực hiện đồng loạt khi các trình tự, thủ tục đã hoàn thiện.
“Chúng tôi dự kiến giải ngân đồng loạt vốn cho hai dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt trong hai tháng 5 - 6/2020, khi đó giá trị giải ngân của Ban QLDA 6 sẽ tăng mạnh”, ông Thịnh nói và cho biết, tính đến cuối tháng 2/2020, Ban QLDA 6 mới giải ngân được khoảng 40 tỷ đồng, chủ yếu tại dự án ODA tín dụng ngành GTVT giai đoạn 2.
Ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh) cũng cho biết, năm 2020, đơn vị được Bộ GTVT giao 3.638 tỷ đồng để giải ngân cho 3 dự án: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn Nha Trang - Cam Lâm khoảng 1.928 tỷ đồng; trả nợ dự án BT La Sơn - Túy Loan khoảng 1.710 tỷ đồng.
Theo ông Tuấn, khối lượng giải ngân của Ban QLDA đường Hồ Chí Minh từ đầu năm đến ngày 29/2 chưa đáng kể, do trong tháng 1/2020, đơn vị tập trung giải ngân khối lượng của năm 2019. Mặt khác, công tác lựa chọn nhà thầu tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn kéo dài cũng ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của đơn vị.
“Hai gói thầu đầu tiên của cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã khởi công từ tháng 9/2019, nhưng các gói thầu còn lại sau khi tổ chức đấu thầu đều phải lấy ý kiến của tổ liên ngành với 21 thành viên đến từ các bộ, ngành khác nhau nên trình tự, thủ tục kéo rất dài. Dự kiến, cuối tháng 3/2020, công tác lựa chọn nhà thầu của dự án mới xong toàn bộ để tổ chức thi công”, ông Tuấn nói.
Tương tự, nguồn vốn đã phân bổ cho dự án BT La Sơn - Túy Loan cũng chưa thể giải ngân được ngay trong hai tháng đầu năm, bởi theo hợp đồng, ngày 29/3/2020, dự án mới đến thời hạn trả nợ ngân hàng quốc tế Nhật Bản. Ngoài ra, dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vẫn đang trong giai đoạn chờ các địa phương phê duyệt phương án đền bù GPMB.
“Trong tháng 3/2020, chúng tôi chắc chắn giải ngân được 200 tỷ đồng đối với phần ứng hợp đồng các gói thầu xây lắp của dự án Cam Lộ - La Sơn. Tháng 4/2020, dự kiến giải ngân thêm 1.000 tỷ đồng, trong đó 800 tỷ đồng trả nợ dự án BT La Sơn - Túy Loan, 200 tỷ đồng khối lượng thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn và chi trả đền bù GPMB cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Trong năm 2020, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh sẽ giải ngân toàn bộ phần vốn đã được giao”, ông Tuấn khẳng định.
Lấy kết quả giải ngân làm thước đo đánh giá cán bộ
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) cho biết, năm 2020, Bộ GTVT được giao kế hoạch 35.300 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 2/2020, Bộ GTVT giải ngân được 603 tỷ đồng (đạt 1,7% kế hoạch năm).
Theo ông Huy, kết quả giải ngân trong 2 tháng đầu năm 2020 đạt thấp do trong tháng 1/2020, các đơn vị tập trung giải ngân kế hoạch năm 2019 (hạn giải ngân ngày 31/1/2020) được 5.955 tỷ đồng, chưa có nhu cầu giải ngân kế hoạch năm 2020; các khối lượng có nhu cầu giải ngân bằng kế hoạch năm 2020 không kịp làm thủ tục với Kho bạc Nhà nước trong tháng 2/2020 do trùng vào đợt nghỉ Tết Âm Lịch.
Thống kê của Vụ KH-ĐT, nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án đạt tỷ lệ giải ngân rất thấp, điển hình Tổng cục Đường bộ VN giải ngân 10,5/2.025 tỷ đồng, Ban QLDA Đường sắt (53/1.940 tỷ đồng), Ban QLDA 7 (5/4.086 tỷ đồng).
Thậm chí, nhiều đơn vị còn chưa giải ngân được đồng vốn nào như: Ban QLDA 85, Ban QLDA Đường thủy, Ban QLDA Hàng hải, Sở GTVT Ninh Bình, Sở GTVT Kon Tum, Sở GTVT Bến Tre...
Trước tình hình này, mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý dự án liên quan để siết chặt kỷ cương, tăng cường các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để chung tay cùng cả nước thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa tổ chức phòng chống dịch, vừa phát triển KT-XH theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT xác định hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản năm 2020 là mục tiêu chính trị hàng đầu.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, Bộ trưởng yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị tư vấn đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án đang triển khai, đảm bảo chất lượng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương có dự án đi qua để tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch giải ngân của từng dự án, gói thầu đề xuất biện pháp xử lý để kịp thời tháo gỡ vướng mắc.
“Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng trong năm 2020 báo cáo Bộ GTVT chấp thuận để làm cơ sở chỉ đạo, điều hành và đánh giá kết quả thực hiện.
Công bố công khai quy trình, trình tự, thủ tục, yêu cầu đối với công tác giải ngân tới các nhà thầu, tư vấn tham gia thực hiện dự án và phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không tuân thủ quy trình giải ngân, gây khó khăn cho đơn vị khi làm thủ tục thanh toán”, Bộ trưởng chỉ đạo và yêu cầu, các đơn vị phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục giải ngân hết kế hoạch được bố trí trả nợ ứng trước theo kế hoạch và nợ đọng xây dựng cơ bản trong tháng 3/2020.
Đối với Cục QLXD&CLCTGT, Bộ trưởng yêu cầu đơn vị này tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt việc triển khai các dự án, nhất là các dự án quan trọng cấp bách như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các dự án đường sắt, đường bộ quan trọng và kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với các địa phương, bộ, ngành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB các dự án.
“Bộ GTVT sẽ tiếp tục lấy kết quả giải ngân kế hoạch năm 2020 để làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2020 của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị liên quan. Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lấy tiêu chí tham gia hoàn thành kế hoạch giải ngân của đơn vị để đánh giá các cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý”, Bộ trưởng nêu rõ.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội):
Kênh quan trọng góp phần cho tăng trưởng
Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, việc thúc đẩy đầu tư công là yếu tố tiên phong, mũi nhọn để thúc đẩy tổng cầu xã hội, đó là mục tiêu trước mắt. Về dài hạn, đầu tư công chủ yếu là đầu tư vào hạ tầng, công trình trọng điểm tạo động lực phát triển và thu hút đầu tư xã hội. Do đó, đẩy nhanh đầu tư công sẽ tạo tiền đề phát triển dài hạn và thúc đẩy đầu tư tư nhân, tạo ra sự phát triển cả trước mắt và lâu dài.
Những năm qua, giải ngân vốn đầu tư công chậm, ứ đọng trong khi các công trình hạ tầng lại rất cần vốn. Trong bối cảnh của năm nay, tập trung giải ngân vốn đầu tư công càng trở nên bức thiết. Với hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, đây sẽ là kênh quan trọng góp phần cho tăng trưởng.
Năm nay cũng là năm diễn ra đại hội Đảng bộ các cấp, nên nếu không quyết liệt thì rất có thể nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công lại tiếp tục bị lơ là, khó đạt được mục tiêu.
Cũng cần lưu ý thêm, những năm qua giải ngân vốn đầu tư công chậm là do có liên quan tới yếu tố thủ tục pháp lý. Có những quy định chưa thực sự rõ ràng, thủ tục rườm rà làm kéo dài thời gian. Một vướng mắc nhỏ có thể làm đình lại cả một dự án lớn. Vì thế, năm nay, đừng vì lý do chuẩn bị cho đại hội hoặc chỉ vì một yếu tố nào đó chưa thông suốt mà dừng lại thì sẽ có nguy cơ cản trở cả quá trình.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng nên lấy tiêu chí hiệu quả, kết quả đầu tư làm cơ sở đánh giá chứ không phải lấy tiêu chí tuân thủ, chấp hành. Nếu như tuân thủ, chấp hành tốt mà kết quả không đạt thì người đứng đầu bộ, ngành, địa phương vẫn phải chịu trách nhiệm. Tinh thần phải quyết liệt như vậy thì mới có thể thúc đẩy được.
Cao Sơn (Ghi)