|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thực phẩm đua nhau khoe nguồn gốc

09:07 | 29/12/2018
Chia sẻ
Không có giải pháp công nghệ nào có thể bảo đảm thực phẩm an toàn 100% nếu người sản xuất không làm thật mà chỉ lo đối phó

Trước nỗi lo của người tiêu dùng về thực phẩm mất an toàn, các nhà sản xuất phải tìm mọi cách chứng minh sản phẩm của mình "sạch", kể cả dùng tem truy xuất nguồn gốc dán trên từng sản phẩm. Nhiều công ty cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc thực phẩm ra đời để đáp ứng nhu cầu này.

Con tem không làm nên thực phẩm sạch

Chị Nguyễn Thị Lê Na, sáng lập Công ty CP Trang trại nông sản Phủ Quỳ (tỉnh Nghệ An), đang ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cam Kỳ Yến, nêu thực trạng có sự ngộ nhận về ứng dụng truy xuất nguồn gốc mà bề nổi là con tem có mã vạch được dán lên sản phẩm khiến người tiêu dùng ngộ nhận. Con tem không có tác dụng phân biệt thực phẩm sạch hay bẩn mà chỉ cung cấp thông tin về nguồn gốc sản phẩm đó. Hơn nữa, việc tổ chức dán tem truy xuất lên sản phẩm làm đội giá thành nên không thể triển khai đại trà mà chỉ với một số dòng sản phẩm có giá trị cao, gắn với thương hiệu công ty.

thuc pham dua nhau khoe nguon goc
Sản phẩm cam Vinh có truy xuất nguồn gốc đang bán trên thị trường Ảnh: Ngọc Ánh

"Ý nghĩa lớn nhất của ứng dụng này là công ty sẽ có hệ thống dữ liệu để phân tích phục vụ sản xuất thay cho hệ thống ghi chép bằng sổ sách. Còn với người tiêu dùng, uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất vẫn là thứ bảo đảm tốt nhất cho chất lượng" - chị Lê Na nhận xét.

Anh Lê Thanh Tùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất Thương mại Dịch vụ Phước Bình (huyện Bình Chánh, TP HCM) - đơn vị tham gia chuỗi thực phẩm an toàn TP HCM, cho biết đối với HTX rau củ quả, chi phí tem là cả một vấn đề lớn do giá trị mặt hàng này thấp. "Tại TP HCM, HTX Phước Bình là đơn vị tiên phong phát triển ứng dụng truy xuất nguồn gốc để hạ giá thành sản phẩm. Hiện HTX dùng phần mềm tự viết để tự quản lý nội bộ, những đơn vị khác có nhu cầu chúng tôi sẽ cấp tài khoản để dùng thử miễn phí trong vòng 3 tháng" - anh Tùng chia sẻ.

Theo anh Tùng, nhà sản xuất là nơi chịu trách nhiệm về sản phẩm và thông tin khai báo trên hệ thống, bên cung cấp dịch vụ phần mềm không đồng chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Công cụ quản lý an toàn thực phẩm

Các đơn vị sản xuất cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp nhiều trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nhưng phải tùy thuộc khả năng thực hiện. Anh Võ Xuân Hòa, chủ một trang trại chuối công nghệ cao chuyên xuất khẩu tại Long An, chia sẻ từng có tham vọng gắn mã vạch trên từng cây chuối để biết cây được chăm sóc tới đâu, khi nào thu hoạch nhưng chưa thực hiện được do khối lượng công việc quá nhiều, công nhân bị rối dẫn đến sai sót.

Đầu năm 2018, HTX Xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) hợp tác với Công ty TNHH Infinity Blockchain Labs thí điểm ứng dụng công nghệ blockchain cho trái xoài cát chu Mỹ Xương. Ông Võ Việt Hưng, giám đốc HTX, cho biết với ứng dụng này, HTX cập nhật thông tin nguồn gốc sản phẩm, các đơn vị trung gian thực hiện việc vận chuyển, phân phối, bán lẻ trên toàn bộ quy trình cung ứng. Chỉ cần quét thông tin trên mã vạch, khách hàng sẽ biết được sản phẩm ở đâu, sản xuất theo tiêu chuẩn gì, ngày sản xuất, ngày xuất xưởng…

"HTX xoài Mỹ Xương có gần 100 ha trồng xoài. Trước đây, dù gắn tem nhưng vẫn bị làm giả và tem không thể hiện rõ trái xoài được thu hoạch khi nào. Công nghệ blockchain đã loại bỏ khả năng làm giả tem. HTX còn sử dụng loại tem tự phân rã (nếu gỡ khỏi sản phẩm sẽ bị vỡ ra từng mảnh) để một lần nữa bảo vệ thương hiệu xoài cát chu Mỹ Xương không bị giả xuất xứ. Nhờ có ứng dụng này, thương hiệu xoài Mỹ Xương càng được khẳng định, HTX thuận lợi hơn trong việc đàm phán đưa hàng vào các chuỗi thực phẩm an toàn" - ông Hưng cho biết.

Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP HCM, Giám đốc điều hành TE-FOOD International (đơn vị cung cấp ứng dụng TE-FOOD cho đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP HCM) - cho biết mỗi ký thịt heo có truy xuất nguồn gốc, mang đầy đủ thông tin từ cơ sở chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, phân phối… chỉ tốn thêm 200 đồng. Cơ quan quản lý chỉ cần soi trên hệ thống sẽ kiểm soát được đường đi của con heo, truy ra nguồn gốc từng lô hàng, người tiêu dùng nếu muốn soi tem sẽ đọc được thông tin sản phẩm…

Ngoài thịt heo, tất cả loại nông sản khác đều có thể được truy xuất nguồn gốc thông qua công nghệ blockchain. TE-FOOD đã hợp tác với Tập đoàn Auchan (Pháp) làm truy xuất nguồn gốc thịt gà, thịt heo, cà rốt, khoai tây, cà chua và trái cây.

"Nhu cầu về truy xuất nguồn gốc tại Việt Nam rất cao vì người dân lo ngại về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, công nghệ truy xuất nguồn gốc chưa phát triển vì phụ thuộc hạ tầng và thiết bị, chỉ một số ít doanh nghiệp đủ khả năng cung cấp công nghệ" - ông Trung nói thêm.

Chỉ yêu cầu đủ thông tin đầu vào, đầu ra Pháp luật hiện nay quy định về truy xuất nguồn gốc chỉ yêu cầu lưu trữ 2 bước (đầu vào, đầu ra), chưa có quy định phải truy xuất từ gốc đến sản phẩm cuối cùng. Những thông tin chi tiết nhà sản xuất công bố trên tem truy xuất nguồn gốc thuộc dạng thông tin tự nguyện, không bắt buộc. Do đó, hiện chưa có chế tài xử lý xung quanh vấn đề truy xuất nguồn gốc. Các chế tài xử phạt (nếu có) thường được áp vào khung "ghi nhãn không đúng sự thật".

Xem thêm

Ngọc Ánh - Thanh Nhân