|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thúc giải ngân để đuổi kịp tăng trưởng

07:53 | 17/12/2016
Chia sẻ
Chậm giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ làm giảm hiệu quả sự phối hợp thành công giữa chính sách tiền tệ và tài khoá.

Khi vốn huy động nhanh, giải ngân chậm

Tính đến hết tháng 11/2016, vốn đầu tư công giải ngân đã cao gấp 1,9 lần so với 7 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước cũng mới chỉ đạt 70,2% kế hoạch, trong đó vẫn còn 12 bộ, ngành Trung ương và 1 địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn ngân sách nhà nước. Riêng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt kết quả rất thấp, chỉ giải ngân được 46,6% so với kế hoạch. Giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là vốn TPCP vẫn quá chậm chạp, đang đe doạ mục tiêu tăng trưởng 6,3% đặt ra cho cả năm nay.

Tốc độ giải ngân chậm chạp đang làm “uổng phí” công sức phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá từ đầu năm tới nay. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, kế hoạch phát hành TPCP đã hoàn thành sớm vào tuần đầu tiên của tháng 12, đạt gần 280.800 tỷ đồng. Như vậy, lượng TPCP phát hành trong năm đã tăng gần 45% so với năm 2015. Có thể nói năm 2016 được đánh dấu là năm huy động thành công nhất của thị trường TPCP sơ cấp từ trước tới nay.

Thành công trong huy động, để rồi giải ngân chậm, vốn nằm chờ trong Kho bạc, còn Chính phủ thì vẫn phải trả lãi cho những ngày vốn trái phiếu nằm im này, trong khi ngân sách ngày càng eo hẹp, áp lực trả nợ ngày một lớn dần.

Và rồi vốn trái phiếu đã huy động về là phát sinh chi phí, vì vậy cần được giải ngân ngay để đồng vốn đủ thời gian sinh lời trước khi đáo hạn. Giải ngân chậm sẽ khiến ngân sách đang trong tình trạng co kéo sẽ còn khó khăn hơn bởi vẫn phải chi trả lãi suất vốn vay trái phiếu cho những khoản bị ứ đọng chưa giải ngân được.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, sự phối hợp thành công giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đã giúp hạ lãi suất TPCP, kéo dài thời gian, kỳ hạn của trái phiếu và nếu tính vào giá trị công trình, mỗi năm giúp hạ từ 1-2% lãi suất vay.

Ông Kiên phân tích, phần lớn các công trình, dự án đầu tư công hiện nay có tới 70-80% là vốn đi vay, như vậy chỉ cần hạ được 1% lãi suất của số tiền đầu tư, đối với một dự án đã tiết kiệm được một khoản tiền lớn.

Tuy nhiên bài toán này chỉ thực sự hiệu quả nếu vốn được giải ngân kịp thời. Còn như tình hình hiện nay, “tiền cứ nằm chờ dự án thì hiệu quả đầu tư giảm đi, chỉ số ICOR lại tăng lên, và như vậy người dân vẫn phải hưởng sản phẩm đắt hơn thực chất”, ông Kiên lo ngại.

Không để chính sách “lệch pha”

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh ngay từ hồi giữa năm cũng đã nhận định, với tỷ lệ lạm phát cơ bản khá “đẹp”, NHNN có thể “xông xênh” điều hành chính sách tiền tệ để tập trung vào tăng trưởng. Và thực tế là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá cũng đã thành công trong việc huy động vốn để hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng.

Các chuyên gia đánh giá, năm nay sự phối hợp chính sách đã nhuần nhuyễn hơn hẳn, với những thành công thể hiện tương đối rõ nét. Cụ thể là NHNN đã mua được dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay, tiếp tục giữ được ổn định của thị trường tiền tệ nhưng lại góp phần hạ lãi suất vay của TPCP và nâng kỳ hạn lên.

Nhờ đó góp phần tái cơ cấu nợ, làm giảm áp lực nợ công của đất nước và kéo giãn thời điểm bùng nổ trả nợ của TPCP. Phối hợp chính sách nhuần nhuyễn đã giúp ngân sách đỡ căng thẳng hơn và cơ quan quản lý có nhiều “đất” hơn để điều hành.

Mặc dù vậy, chỉ còn 2 tuần nữa là kết thúc năm 2016, đã có nhiều lo ngại rằng nếu tốc độ giải ngân vẫn giữ như 11 tháng vừa qua, tốc độ tăng trưởng sẽ khó bật qua mức 6%. Nghịch lý nằm ở chỗ huy động vốn đã nhanh chóng và kịp thời, nhưng giải ngân lại quá “đủng đỉnh”, đã gây ra lệch pha và khiến chính sách kém hiệu quả.

Vì vậy những ngày cuối năm này, Chính phủ đã liên tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, hồi cuối tháng 11 qua Công điện số 2144/CĐ-TTg gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Ngay sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có công văn đề nghị làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc quy trách nhiệm người đứng đầu là các giải pháp cứng rắn nhằm chấn chỉnh hoạt động giải ngân vốn.

Mới đây nhất, Kho bạc Nhà nước cam kết sẽ giải ngân trong vòng tối đa 4 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ của các dự án đủ điều kiện. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm được cơ quan này đưa ra nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Song song với việc đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công, các chuyên gia khuyến cáo cần siết chặt quản lý hoạt động này từ khâu đấu thầu, chọn thầu, giám sát thi công cho tới kiểm toán cuối cùng. Như vậy sẽ giảm thất thoát vốn ít nhất là 10-15%. Nếu thực hiện các giải pháp đồng bộ như vậy, giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới sẽ khởi sắc và chắc chắn sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Ngọc Khanh