Thua lỗ vì biểu tình, ngành hàng không Hong Kong cầu cứu chính quyền
BAR, Ủy ban đại diện cho hơn 70 hãng hàng không tại Hong Kong, cũng đề xuất cắt giảm những chi phí vận hành khác tại sân bay như phí thuê văn phòng và phòng chờ, theo South China Morning Post.
Gói cứu trợ trị giá 2,4 tỷ USD được chính quyền Hong Kong công bố hồi tháng trước không bao gồm ngành hàng không.
Trong lá thư gửi đến Cục Giao thông và Nhà ở, Chủ tịch BAR Ronald Lam Siu-por, đồng thời là một giám đốc của Cathay Pacific, cho biết việc thu nhập sụt giảm khiến các chuyến bay đến Hong Kong mất khả năng tài chính.
Biểu tình ở Hong Kong gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không của thành phố này. Ảnh: SCMP.
"Theo nhìn nhận về tình hình này, BAR kêu gọi chính quyền Hong Kong xem xét ban hành các biện pháp cứu trợ ngắn hạn nhằm giúp ngành hàng không sống sót trong thời điểm vô cùng khó khăn này", bức thư viết và không nêu khoảng thời gian cụ thể.
"Chính quyền Hong Kong nên tạm miễn một số chi phí hoạt động để các hãng hàng không hoạt động tại đây có thể duy trì khả năng thương mại", cơ quan hàng không cho biết.
Tập đoàn Cathay Pacific, bao gồm hãng vận tải đường dài, hãng hàng không khu vực Cathay Dragon và cấp vốn cho HK Express, cho biết các chi phí này là khoản chi tiêu đáng kể.
Hãng Hong Kong Airlines mô tả các biện pháp cứu trợ như trên sẽ đem đến "sự hỗ trợ đáng kể" giúp công ty vượt qua những thách thức trong giai đoạn khó khăn này.
Hãng hàng không này thừa nhận lượng đặt vé sụt giảm đã gây ra các vấn đề về dòng tiền, khiến tình hình tài chính của hãng ngày càng tồi tệ.
Sân bay quốc tế Hong Kong đóng góp đáng kể vào kinh tế thành phố. Ảnh: SCMP.
BAR cũng nhắc nhở chính quyền thành phố rằng ngành hàng không đã cung cấp 330.000 việc làm và đóng góp 10,2% vào GDP Hong Kong.
"Chúng tôi chắc chắn sẽ hoan nghênh việc chính phủ tạm miễn phí hoạt động để các hãng hàng không hoạt động tại Hong Kong, bao gồm chúng tôi, có thể duy trì khả năng thương mại và giữ vị thế hàng đầu của một trung tâm hàng không toàn cầu", phát ngôn viên của Cathay Pacific tuyên bố.
Vào tháng 8, sân bay quốc tế Hong Kong chứng kiến mức sụt giảm lượng hành khách hàng tháng lớn nhất trong vòng một thập kỷ, với mức giảm 12,4%, tương đương 850.000 khánh du lịch, vì các cuộc biểu tình chống chính quyền.
Đây đáng lẽ là thời điểm bận rộn nhất của ngành hàng không.
Cục Giao thông và Nhà ở tuyên bố sẽ "theo dõi chặt chẽ tình hình" và "xem xét các biện pháp cứu trợ phù hợp khi cần thiết".
Theo Nicholas Painter-Bosworth tại AirportChargers.com, các hãng hàng không hoạt động tại Hong Kong phải trả phí hoạt động đắt đỏ hơn những đối thủ cạnh tranh khác tại châu Á.
Tổng chi phí mà một hãng hàng không phải trả cho một chiếc Boeing 777-300ER cho mỗi lần bay là 14.123 USD, bao gồm phí hạ cánh, phí đỗ, thuế và các phí liên quan đến hành khách khác.
Ngược lại, sân bay Changi của Singapore chỉ tính phí 12.719 USD và sân bay Quảng Châu tính phí 11.592 USD.
Doanh thu từ ngành hàng không chiếm 27% doanh thu của sân bay Hong Kong. Trong năm tài chính 2018-2019, sân bay này kiếm về 2,5 tỷ USD với lợi nhuận ròng là 1,07 tỷ USD.
Phí hạ cánh đã tăng 27% trong 3 năm qua khi sân bay Hong Kong tiến hành quá trình mở rộng.
Tính đến nay, ngành công nghiệp hàng không đã 2 lần nhận được gói cứu trợ từ chính quyền thành phố, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2004 và năm 2009.
Phí hạ cánh và đỗ máy bay giảm 15% sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á từ đầu năm 2000 đến cuối năm 2004.
Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 khiến giá dầu và giá vé tăng vọt, nhu cầu đi lại sụt giảm, chính quyền Hong Kong đã tung ra gói cứu trợ 450 triệu HKD, bao gồm việc giảm 10% phí hạ cánh và đỗ máy bay trong vòng 8 tháng.
Trong khi các hãng hàng không thiệt hại vì lượng vé sụt giảm, khách du lịch cũng không được hưởng lợi từ việc giá vé máy bay giảm sâu.
Hành khách hiện phải trả thuế khởi hành 15,31 USD. Theo Dịch vụ tài chính và Bộ Tài chính Hong Kong, chính quyền không có kế hoạch giảm thuế khởi hành trong thời điểm này.