|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất bằng được vắc xin COVID-19 'made in Vietnam'

16:06 | 26/06/2021
Chia sẻ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tinh thần là phải đẩy nhanh hơn quy trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin nội, thay vì đi từng bước một thì phải bước nhanh hơn, thậm chí phải chạy để sớm chủ động được nguồn cung.

Sáng nay (26/6), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi thăm và làm việc với Công ty Nanogen, đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax, vắc xin tiềm năng nhất do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất tới thời điểm hiện tại.

Thông tin từ báo Chính phủ cho biết tại buổi thăm, Thủ tướng đề nghị công ty và các bộ liên quan báo cáo cụ thể, làm rõ các vấn đề về công nghệ, nguyên liệu, năng lực sản xuất, hiệu quả so với các loại vắc xin khác, giá thành sản phẩm vắc xin Nano Covax đang được thử nghiệm.

Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng mang tính chất quyết định của vắc xin "nước nào tiêm được vắc xin thì sẽ đưa cuộc sống trở lại bình thường". Thủ tướng cho rằng để có được vắc xin phải tiếp cận bằng nhiều hướng, nhưng sản xuất được vắc xin trong nước sẽ giúp giảm giá thành vận chuyển và quan trọng nhất là chúng ta sẽ giành được thế hoàn toàn chủ động.

Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất bằng được vắc xin COVID-19 'made in Vietnam' - Ảnh 1.

Thủ tướng nói chuyện với Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ sinh học dược Nanogen. (Ảnh: VGP)

Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty Nanogen cho biết công ty đang thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax giai đoạn 3 (gồm 3a và 3b) trên 13.000 tình nguyện viên và sắp tới sẽ tiêm thử nghiệm giai đoạn 3c trên 1 triệu người, đây là một trong những nghiên cứu có quy mô lớn nhất trên thế giới về vắc xin.

Công suất sản xuất hiện tại của công ty đạt khoảng 8 đến 12 triệu liều mỗi tháng và tới tháng 9 có thể lên tới 30 đến 50 triệu liều mỗi tháng. 

Công ty cho biết đang hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và thời gian tới, tổ chức này sẽ xem xét đưa Nano Covax vào chương trình COVAX nếu đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, hàng chục quốc gia đã ký biên bản ghi nhớ đề nghị hợp tác, chuyển giao công nghệ, phân phối vắc xin của công ty.

Lãnh đạo công ty cũng đề nghị Bộ Y tế bám sát, cử đội đặc nhiệm để hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến việc đánh giá cấp phép vắc xin.

Vắc xin Nano Covax sắp tiêm thử nghiệm trên 1 triệu người, mong muốn gia nhập chương trình COVAX - Ảnh 1.

Thủ tướng thăm Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen - đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng COVID-19 Nano Covax. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Vắc xin Nano Covax của Công ty Nanogen sản xuất dựa trên công nghệ tái tổ hợp. Giai đoạn 1 (tháng 12/2020), vắc xin Nano Covax đã tiêm cho 60 tình nguyện viên và giai đoạn thử nghiệm 2 (tháng 2 năm nay) đã tiêm cho 554 người. Hôm 22/6, đơn vị nghiên cứu cũng đã hoàn thành thử nghiệm 1.000 mũi tiêm đầu tiên thử nghiệm giai đoạn 3 của vắc xin này.

Có mặt tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết công nghệ sản xuất của Nanogen đang làm là cơ bản tốt, tất nhiên cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Bộ trưởng khẳng định sẽ cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề chuyên môn để đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện vắc xin.

"Quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy quá trình thử nghiệm nhưng phải bảo đảm an toàn cho sinh mạng của con người", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin phải tuân thủ các quy trình, quy định chặt chẽ, bảo đảm an toàn, có hiệu quả trong ngăn chặn dịch bệnh với chi phí cạnh tranh, chấp nhận được để người dân ủng hộ.

"Tinh thần là phải đẩy nhanh hơn quy trình thử nghiệm lâm sàng, "thay vì đi từng bước một thì phải bước nhanh hơn, thậm chí phải chạy trong lúc nước sôi lửa bỏng, cháy nhà chết người", Thủ tướng chia sẻ.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu lập tổ hành động (task force) hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin do một nhân sự cấp cao có đủ thẩm quyền để phụ trách. Nhân sự này có thể là Bộ trưởng hoặc Phó Thủ tướng để thúc đẩy vắc xin sản xuất trong nước nhanh nhất, sớm nhất có thể, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu chủ động vắc xin để tiêm miễn phí cho toàn dân, không chỉ trong năm nay mà trong những năm tới. Đây là nhiệm vụ chiến lược vừa trước mắt, vừa lâu dài. Về phía công ty, Thủ tướng đề nghị xử lý hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Anh Đào

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.