Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp trong nước sớm làm chủ công nghệ điện gió ngoài khơi
Phát biểu tại chuỗi sự kiện về dầu khí và điện gió ngoài khơi tối 2/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phát triển xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn là xu thế của thế giới, là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam cũng có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm bằng được, càng sớm càng tốt, việc chuyển giao, làm chủ toàn bộ công nghệ điện gió ngoài khơi (gồm cả sản xuất turbin, cánh quạt gió, chân đế…), đồng thời đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, phát triển hạ tầng, đề xuất chính sách để phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trên tinh thần chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh.
Thủ tướng cũng ghi nhận nỗ lực rất lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) trong việc triển khai các dự án dầu khí chiến lược và các dự án năng lượng tái tạo.
Trong đó, Petrovietnam và PTSC đã thực hiện được các dự án điện gió ngoài khơi lớn với tổng giá trị hợp đồng khoảng 2 tỷ USD, việc xử lý các dự án kéo dài như đưa dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào hoạt động mà không cần phải bổ sung thêm ngân sách; tích cực thúc đẩy chuỗi dự án khí lô B, phấn đấu chậm nhất cuối năm 2026 có dòng khí đầu tiên.
Petrovietnam cũng mở rộng hoạt động ở các lĩnh vực mới như: Điện gió, năng lượng tái tạo, việc tái cơ cấu lại hoạt động, Petrovietnam đã đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách của cả nước năm 2024.
Trong các năm tới, Thủ tướng kỳ vọng Petrovietnam và PTSC bứt tốc mạnh mẽ hơn với tốc độ tăng trưởng gấp đôi trong những năm tới, đạt khoảng 15-20% mỗi năm; góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước đạt tốc độ cao hơn, đạt khoảng 8% trong năm 2025 và đạt mức hai con số trong những năm tiếp theo.
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo; các bộ, ngành cùng Petrovietnam đề xuất xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, trong đó có việc sửa đổi luật về quản lý, đầu tư kinh doanh vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các nghị định liên quan theo tinh thần cởi trói cho doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh định hướng đưa Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm năng lượng, trung tâm điện gió ngoài khơi không chỉ của quốc gia mà còn của thế giới, phát huy tinh thần chủ động của địa phương, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, các bộ, ngành và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển, trong đó có Petrovietnam.
Lần đầu tiên có hợp đồng xuất khẩu lớn trong điện gió
Chuỗi sự kiện diễn ra tối 1/12 bao gồm 5 sự kiện: Lễ hạ thủy và bàn giao 33 chân đế điện gió ngoài khơi dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch); lễ ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho các khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương; lễ khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Baltica 02 tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới; lễ khởi công giàn công nghệ trung tâm của chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn; lễ trao hợp đồng FSO mỏ Lạc Đà Vàng.
Theo Petrovietnam, với dự án CHW2204 cho khách hàng Orsted (Đan Mạch) - nhà đầu tư và phát triển điện gió ngoài khơi số một thế giới hiện nay, đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực rất mới là năng lượng tái tạo ngoài khơi, lần đầu tiên ghi danh Việt Nam trên bản đồ năng lượng tái tạo ngoài khơi thế giới.
Dự án gồm 33 chân đế, mỗi chân đế cao khoảng 85 m và nặng khoảng 2.300 tấn, tạo hơn 3.000 việc làm cho PTSC với gần 100 nhà cung cấp trong nước.
Còn với dự án điện gió ngoài khơi Baltica 02 tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới, đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu và xuất khẩu các trạm biến áp điện gió ngoài khơi sang châu Âu.
Chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn là dự án trọng điểm Nhà nước về dầu khí có quy mô lớn tại Việt Nam, có sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3/năm trong 20 năm, là dự án dầu khí lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 12 tỷ USD. Trong đó, giàn công nghệ trung tâm của dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được thiết kế, mua sắm, thi công, vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, chạy thử tại Việt Nam.
Mỏ Lạc Đà Vàng nằm ở Lô 15-1/05 thuộc bể Cửu Long trên thềm lục địa phía đông nam Việt Nam, cách thành phố Vũng Tàu khoảng 120 km về phía đông. Các kho FSO (dịch vụ khai thác, cung cấp các kho nổi, chứa, xử lý và xuất dầu thô) của mỏ có sức chứa thiết kế 500.000 thùng dầu thô, dự kiến được đưa vào vận hành vào nửa cuối năm 2026.
Tại buổi lễ, đại diện Tập đoàn Orsted đánh giá PTSC là đối tác tin cậy, cung cấp những chân đế an toàn và đạt chất lượng cao nhất, theo các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, sức khỏe và môi trường, hướng tới nhà cung cấp đẳng cấp thế giới.
"Điều này cũng cho thấy tầm nhìn, nỗ lực của Chính phủ, khẳng định năng lực của chuỗi cung ứng Việt Nam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi", đại diện Tập đoàn Orsted cho hay.
Petrovietnam đã điều chỉnh chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu nâng tổng công suất đặt đạt 8.000-14.000 MW và tỷ trọng nguồn điện tái tạo chiếm 5-10% tổng công suất đặt của Petrovietnam.
Đến 2045, Petrovietnam phấn đấu nâng công suất đặt chiếm 8-10% tổng công suất hệ thống điện Việt Nam và tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo chiếm 10-20% trong tổng công suất nguồn điện Petrovietnam.