Thủ tướng yêu cầu đảm bảo tiến độ chuỗi dự án điện khí 12 tỷ USD
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiều 8/1, Thủ tướng yêu cầu tập đoàn này xử lý vướng mắc, bảo đảm tiến độ, hiệu quả của các dự án trọng điểm ngành dầu khí, trong đó có chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương hoàn thành việc sửa đổi các Thông tư quy định về vận hành thị trường điện, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan để gỡ vướng cho chuỗi dự án này.
Mỏ khí lô B là dự án trọng điểm cung ứng khí cho sản xuất điện khu vực phía Nam với trữ lượng khoảng 107 tỷ m3 khí trong 20 năm. Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí tại mỏ này được ký năm 1996 và 1999. Năm 2015, PVN đã mua lại tài sản của Chevron, sau khi tập đoàn này rút lui khỏi dự án.
Dự án đặt mốc kế hoạch có dòng khí đầu tiên vào cuối 2026, cung ứng cho tổ hợp các nhà máy điện Ô Môn 1,2,3 và 4 khoảng 5 tỷ m3 mỗi năm. Tuy nhiên, do vướng mắc trong đàm phán thương mại, quy trình thẩm định đầu tư nên dự án chậm tiến độ nhiều năm.
Năm 2023, PVN ký các hợp đồng EPC dự án phát triển mỏ thuộc chuỗi dự án này sau nhiều năm gián đoạn. Tại phiên họp hôm nay, đại diện PVN cũng đưa ra các giải pháp triển khai chuỗi dự án lô B bảo đảm mục tiêu sớm có dòng khí đầu tiên như kỳ vọng.
Ngoài dự án trên, tại hội nghị, Thủ tướng lưu ý PVN tiến độ một số dự án trọng điểm khác như Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 (hoàn thành vào cuối năm 2024, đầu năm 2025), nâng cấp mở rộng Lọc dầu Dung Quất, Khí điện đạm Cà Mau, nâng cao hiệu quả Lọc hóa dầu Nghi Sơn và khởi động lại dự án Nhiệt điện Long Phú 1.
PVN cũng được giao nghiên cứu các dự án mới, phối hợp với các cơ quan liên quan tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, bảo đảm quốc phòng, an ninh kinh tế cho hoạt động dầu khí, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên Biển Đông và hải đảo. Tập đoàn cần duy trì cơ cấu tài chính lành mạnh, cân đối các nguồn lực tài chính cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, theo yêu cầu của Thủ tướng.
Theo báo cáo của PVN, năm 2023, tập đoàn này đã hoàn thành các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, vận hành có hiệu quả các mỏ dầu khí, hoàn thành chỉ tiêu về sản lượng khai thác dầu khí, điện, xăng dầu, phân bón. Trong đó, Lọc dầu Dung Quất đạt kỷ lục trên 7 triệu tấn sản phẩm so với công suất thiết kế là 6,5 triệu tấn một năm.
Năm ngoái, PVN đạt doanh thu 942.800 tỷ đồng, tăng 11.600 tỷ đồng so với năm 2022, lợi nhuận hợp nhất trên 54.500 tỷ đồng. Tập đoàn nộp ngân sách Nhà nước 135.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch 73%. Thu nhập bình quân của người lao động gần 27 triệu đồng mỗi tháng. Trong năm, PVN đưa vào vận hành Nhà máy điện Thái Bình 2, Kho cảng LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn một năm .