Thủ tướng: Vị trí 'đất vàng' Bình Dương phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm
Chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương ngày 3/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bình Dương phải hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch trong tháng 6/2023 theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm.
Thủ tướng lưu ý những vị trí "đất vàng" phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm, từ đó thu hút người đến làm, người đến ở, phát triển đồng bộ các loại hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, … như vậy mới có thể phát triển bền vững các dự án đô thị, bất động sản.
Về giải ngân đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phân tích kỹ hơn các nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công của Bình Dương vẫn chậm.
Kiểm tra dự án Bệnh viện đa khoa Bình Dương và trước đó là các dự án Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai ở Hà Nam, Thủ tướng nhận thấy một nguyên nhân chung khiến tiến độ chậm là khâu chuẩn bị đầu tư không tốt. Mặt khác, nếu đầu tư dàn trải sẽ dẫn tới kéo dài dự án, đội vốn, gây lãng phí, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) thấp…
Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương triển khai nghiêm túc các chỉ đạo nêu trên, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh mở chiến dịch thúc đẩy giải ngân đầu tư công tới ngày 31/1/2023, "kiên quyết không để tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết vốn được giao, trong khi nhiều dự án có khả năng giải ngân tốt nhưng không bố trí đủ vốn".
Về các kiến nghị của tỉnh Bình Dương, Thủ tướng yêu cầu xác định rõ vấn đề gì, ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai để xử lý. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó xử lý; những vấn đề thuộc nhiều bộ, ngành, địa phương thì phải phối hợp xử lý; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền để xử lý.
Riêng với tuyến đường vành đai 4 đoạn qua Bình Dương, Thủ tướng đề nghị tỉnh nghiên cứu, học tập của các địa phương khác như Quảng Ninh, theo đó tỉnh đầu tư một phần, nhà đầu tư PPP đầu tư phần còn lại nhưng khai thác cả đoạn trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.