|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Tuần tới dành thời gian ưu tiên tinh gọn bộ máy

09:00 | 08/12/2024
Chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngay trong tuần tới, các đơn vị dành thời gian ưu tiên cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 7/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các đơn vị tập trung cao độ cho công tác tổng kết Nghị quyết 18 Trung ương và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tạo thống nhất trong nội bộ, tư tưởng, thực hiện tốt kế hoạch, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Các bộ ngành giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong.

Cùng với dành thời gian trong tuần tới ưu tiên sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ xếp lịch cho các Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực họp với các bộ ngành theo kế hoạch đã được phân công.

"Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", Thủ tướng nói và yêu cầu thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.

Tinh thần là dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả.

Từ nay đến cuối năm và đầu 2025, Thủ tướng yêu cầu tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ thường kỳ, sáng 7/12. (Ảnh: Nhật Bắc).

Theo kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố ngày 6/12, dự kiến có 5 bộ và 3 cơ quan ngang bộ sẽ duy trì, chỉ tinh gọn bên trong, gồm Bộ Quốc phòng, Công an, Tư pháp, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch; Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

14 bộ, cơ quan ngang bộ được định hướng sắp xếp và hợp nhất. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính hợp nhất, lấy tên dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển. Bộ này quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực đang giao cho Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng hợp nhất, tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và xây dựng đô thị, nông thôn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất, dự kiến tên sau sắp xếp là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường.

Bộ Thông tin và Truyền thông hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ, tên bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Khoa học, Công nghệ và Chuyển đổi số hoặc Bộ Khoa học, Công nghệ, Chuyển đổi số và Truyền thông. Bộ này thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực đang giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ hợp nhất, dự kiến lấy tên Bộ Nội vụ và Lao động. Chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp chuyển sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Bộ Y tế.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước sẽ kết thúc hoạt động và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ ngành quản lý. Chính phủ cơ bản không duy trì mô hình tổng cục thuộc bộ.

Viết Tuân

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.