|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thủ tướng Palestine từ chức

20:04 | 26/02/2024
Chia sẻ
Thủ tướng Chính quyền Palestine Shtayyeh đệ đơn từ chức nhằm tạo điều kiện đạt đồng thuận rộng rãi về các thỏa thuận chính trị hậu chiến sự Gaza.

"Tôi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Mahmoud Abbas", Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh hôm nay thông báo, thêm rằng quyết định của ông được đưa ra sau "những diễn biến liên quan hành động gây hấn nhằm vào Dải Gaza và leo thang căng thẳng ở Bờ Tây, Jerusalem".

Đơn từ chức của ông cần được Tổng thống Abbas chấp nhận. Ông Abbas có thể yêu cầu ông Shtayyeh giữ chức thủ tướng lâm thời cho đến khi bổ nhiệm được người thay thế.

Thủ tướng Palestine từ chức trong bối cảnh Mỹ ngày càng gây áp lực lên Tổng thống Abbas để cải tổ toàn diện Chính quyền Palestine, khi các nỗ lực quốc tế được tăng cường nhằm chấm dứt giao tranh ở Gaza và bắt đầu phát triển cấu trúc chính trị để quản lý vùng đất này sau chiến sự giữa Israel và Hamas.

Trong tuyên bố với nội các, ông Shtayyeh, nhà kinh tế học nhậm chức năm 2019, cho biết giai đoạn tiếp theo sẽ cần phải tính đến thực tế mới ở Gaza, nơi đã bị tàn phá sau gần 5 tháng giao tranh ác liệt. Ông cho rằng giai đoạn này đòi hỏi phải có chính phủ mới, đồng thời kêu gọi sự đồng lòng giữa người Palestine và "mở rộng quyền quản lý của Chính quyền Palestine đối toàn bộ đất đai của người Palestine".

Thủ tướng Chính quyền Palestine Mohammad Shtayyeh chủ trì cuộc họp nội các ở thành phố Ramallah, Bờ Tây ngày 20/2. (Ảnh: AFP).

Chính quyền Palestine, được thành lập cách đây 30 năm theo hiệp định hòa bình ở Oslo, Na Uy, có quyền quản lý hạn chế đối với các khu vực ở Bờ Tây. Chính quyền Palestine mất quyền kiểm soát Dải Gaza sau cuộc chiến với Hamas năm 2007.

Phong trào Fatah của Tổng thống Abbas và đã nỗ lực đạt thỏa thuận về một chính phủ đoàn kết và sẽ gặp nhau tại Moskva, Nga vào 28/2. Một quan chức cấp cao Hamas cho biết động thái này phải đi kèm thỏa thuận rộng hơn về quyền quản lý dành cho người Palestine.

"Việc Thủ tướng Shtayyeh từ chức chỉ có ý nghĩa nếu nó diễn ra trong bối cảnh toàn dân tộc đồng lòng về các thỏa thuận cho giai đoạn tiếp theo", Sami Abu Zuhri, quan chức cấp cao Hamas, nói.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuần trước gửi nội các sau chiến sự, trong đó đề xuất quân đội Israel tiếp tục có quyền hoạt động "tự do vô hạn" ở khu vực. Ông cũng nêu tầm nhìn Israel duy trì kiểm soát an ninh "trên toàn bộ vùng đất phía tây Jordan" gồm cả đất liền, vùng biển và vùng trời nhằm ngăn chặn mối đe dọa ở cả khu vực Bờ Tây và Dải Gaza.

muốn thành lập chính quyền dân sự tại khu vực, được điều hành bởi "quan chức địa phương có kinh nghiệm quản trị hành chính" và không có quan hệ với "những nước hay thực thể" có lập trường tấn công Israel.

Chính quyền Palestine lập tức bác bỏ đề xuất từ Thủ tướng Netanyahu, nhấn mạnh tương lai duy nhất của Dải Gaza là một phần nhà nước độc lập với thủ đô là Jerusalem.

Mỹ cũng tỏ ra không đồng tình với một số điểm trong kế hoạch mà Thủ tướng Netanyahu gửi lên nội các.

"Người dân Palestine cần có tiếng nói và quyền bỏ phiếu, thông qua Chính quyền Palestine", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 23/2 cho biết. "Chúng tôi không muốn thấy bất kỳ sự di dời cưỡng bức nào của người Palestine ra khỏi Gaza và tất nhiên, chúng tôi không muốn thấy Gaza bị thống trị, kiểm soát hay điều hành bởi Hamas".

Theo cơ quan y tế ở Gaza, gần 30.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ở Gaza, phần lớn là phụ nữ và trẻ em, và gần như toàn bộ người dân ở dải đất này phải rời bỏ nhà cửa.

Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)