Thủ tướng: Nếu đã đi vay, phải làm các dự án lớn, không làm vụn vặt
Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6.
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về các vấn đề kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đánh giá, trước những khó khăn, thách thức rất lớn, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phù hợp với nhiều chủ trương, quyết sách lớn.
Sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong trung và dài hạn; vẫn tiếp tục là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế còn gặp nhiều thách thức; ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. Năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn.
Phân tích một số yếu tố gây tác động, khó khăn và đánh giá, tình hình khu vực và thế giới, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ rõ một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế, vướng mắc. Theo Chủ tịch nước, việc phân cấp, phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị.
"Kết luận của Đảng có nêu phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch theo hướng từng cấp phải xác định rõ được thẩm quyền và trách nhiệm của mình, để cấp dưới không đi hỏi cấp trên chuyện của mình và để cấp trên không phải với tay xuống làm những việc của cấp dưới. Khi cần thiết phải hỏi thì phải trả lời là rõ ràng, minh bạch. Nhưng điều này chúng ta chưa thực hiện được,” Chủ tịch nước cho biết.
Nguyên nhân tiếp theo được Chủ tịch nước chỉ ra là trách nhiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chưa cao. Bên cạnh đó là tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm...
Thảo luận tại tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian trao đổi với các đại biểu liên quan tới các vấn đề về đầu tư phát triển, ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Theo Thủ tướng, tình trạng sạt lở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề lớn, vừa phải giải quyết vấn đề trước mắt nhưng cũng phải xây dựng các dự án lớn mang tính lâu dài để ngăn chặn tác động tiêu cực đến khu vực này. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định. Trong đó, những dự án cần triển khai là chống sạt lở, sụt lún, ngập mặn và biến đổi khí hậu. Việc này cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực. Những dự án vay vốn quốc tế cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
“Nếu đã đi vay, phải làm các dự án lớn, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không làm vụn vặt, manh mún. Thay vì dàn trải, chúng ta làm những vấn đề lớn như chống sụt lún, sạt lở, ngập mặn, biến đổi khí hậu,” Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận; nhấn mạnh Bộ Quốc phòng sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Chiều 24/10, với 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua danh sách 44 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, giúp cho các chức danh được Quốc hội bầu và phê chuẩn thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ. Vì vậy, đây là công việc hệ trọng, cần được tiến hành theo đúng quy trình, thủ tục chặt chẽ, đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tổng số người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là 50 vị trí, hiện nay có 49 người đang giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm.
Do đó, có 5 người được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, gồm ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường; ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV gồm 44 người.
Các chức danh Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, gồm:
1. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân
2. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
3. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn
4. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
5. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
6. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
7. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh
8. Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình
9. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
10. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà
11. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm
12. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
13. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
14. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
15. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh
16. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới
17. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
18. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh
19. Thủ tướng Phạm Minh Chính
20. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái
21. Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên
22. Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
23. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
24. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt
25. Bộ trưởng Quốc phòng - Đại tướng Phan Văn Giang
26. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan
27. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
28. Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
29. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
30. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan
31. Bộ trưởng Công an - Đại tướng Tô Lâm
32. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh
33. Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long
34. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
35. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong
36. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
37. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
38. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn
39. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn
40. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng
41. Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
42. Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình
43. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí
44. Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn