Thủ tướng lo ngại chính sách của Tổng thống Donald Trump có thể tác động đến xuất khẩu
|
Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vào sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về tình hình kinh tế quý I/2017.
Thủ tướng lo ngại chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ từ khi Donald Trump làm Tổng thống, có thể tác động đến xuất khẩu của nước ta. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp cũng như có thể bị tác động. Sức ép tăng lạm phát, tỷ giá gia tăng.
“Trong bối cảnh đó, Việt Nam đặt vấn đề phải tăng trưởng và kiềm chế lạm phát mói có thể bảo đảm các cân đối vĩ mô như ngân sách nhà nước, nợ công, đầu tư, xuất nhập khẩu, giải quyết việc làm, thu nhập, đời sống của người dân”, Thủ tướng nói. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng phải theo dõi tình hình để phản ứng chính sách chặt chẽ, linh hoạt, chủ động hơn.
Việt Nam bị nhắm đến trong sắc lệnh 'trả đũa thương mại' của Trump
Sắc lệnh mới của Tổng thống Trump yêu cầu phân tích nguyên nhân thâm hụt thương mại của Mỹ với 16 nền kinh tế, trong ... |
Vui mừng PMI, lo lắng tăng trưởng GDP
Về tình hình phát triển kinh tế quý I, Thủ tướng cho biết, chỉ số sản xuất Nikkei hay chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 của nước Việt Nam đạt 54,6, cao hơn so với bình quân của ASEAN là 50,9. Đây là mức PMI tổng hợp về kết quả hoạt động của ngành sản xuất lên cao nhất trong vòng 22 tháng qua.
Chỉ số PMI sản xuất Việt Nam tháng 3/2017 đạt đỉnh 22 tháng
Theo chỉ số PMI của Việt Nam mới công bố hôm nay (3/4), lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã kết thúc quý 1 ... |
Một điểm nổi bật nữa là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Theo công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI, có 51 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành từ khá trở lên.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại: "Một điều hết sức lo lắng là tăng trưởng GDP quý I chỉ mới đạt 5,1%, là thấp. Trong khi nông nghiệp, dịch vụ tăng khá thì khu vực công nghiệp, xây dựng tăng thấp”.
Cho rằng một nguyên nhân chính là do khai thác dầu, công nghiệp chế tạo, do nhiều hoàn cảnh khác nhau, chưa đạt kế hoạch đề ra, Thủ tướng yêu cầu có đối sách, phản ứng chính sách tốt hơn để khắc phục tình trạng GDP tăng trưởng chậm trong quý I.
Ngoài ra, việc cổ phần hóa doanh nghiệp chậm, chưa có doanh nghiệp lớn bán vốn, thoái vốn, cổ phần hóa đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra.
Đề nghị tăng đầu tư toàn xã hội lên 35% GDP
Xuất khẩu năm nay nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn đầu tư công chậm, quý I/2017 chỉ đạt 12,4% dự toán (cùng kỳ 2016 là 16%).
Trong bối cảnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ tương đương 32% GDP, “như vậy mục tiêu huy động vốn xã hội của chúng ta đặt ra rất quyết liệt nhưng trong quý I cũng chưa cao”, Thủ tướng nhận xét.
“Đặc biệt là làm sao đẩy mạnh đầu tư xã hội”, Thủ tướng đề nghị có thể tăng vốn đầu tư xã hội thêm 3%, lên 35% GDP. Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ đưa ra việc cần làm để nước ngoài không thôn tính các ngành quan trọng của Việt Nam, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường đạt kết quả tốt nhất. Thủ tướng cũng đề nghị tìm cơ chế đẩy mạnh công nghiệp khai thác.