Thủ tướng: Khó khăn của ngành điện mang tính sự cố, tình thế hơn là tính hệ thống
Khó khăn của ngành điện mang tính sự cố, tình thế
Chiều 13/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về hoạt động của Tập đoàn trong thời gian qua.
Thủ tướng nhấn mạnh điện là vấn đề có tính toàn dân, bao trùm tất cả các ngành, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh chóng, khó lường, vượt mọi dự báo, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô khiêm tốn, sức chống chịu có hạn, độ mở lớn.
Theo Thủ tướng,việc nghiên cứu, vận hành, phối hợp giữa các khâu (nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện, giá điện) phải hợp lý, khoa học, vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài, phù hợp xu thế, quy luật, điều kiện, hoàn cảnh đất nước và truyền thống ngành điện, khả năng tiêu dùng của người dân.
Trong năm 2023, ngành đã đạt được một số kết quả tích cực, xây dựng đượcnhững "công trình thế kỷ", như đường dây 500 kV Bắc-Nam, thủy điện Hòa Bình…
Lượng điện sản xuất toàn hệ thống của EVN đạt trên 280 tỷ kWh, tăng hơn 4,5% so với năm 2022. Điện thương phẩm trên 251 tỷ kWh, tăng 3,5%.EVN cũng đã nỗ lực trong việc hoàn thành vượt các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật với tổn thất điện đạt 6,15% thuộc top 4 trong khối ASEAN; 967 trong tổng 996 TBA 220-110 kV được chuyển sang chế độ không người trực, đạt tỉ lệ 97%.
Bên cạnh những kết quả, tập đoàn còn một số khó khăn, thách thức, hạn chế, như năm 2023 vẫn để xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ; công tác đầu tư xây dựng chưa đạt mục tiêu kế hoạch, một số dự án nguồn điện và lưới điện tiến độ triển khai chậm; một số đảng viên, cán bộ, nhân viên của các đơn vị trong Tập đoàn bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Theo Thủ tướng, những khó khăn hiện nay của ngành điện mang tính sự cố, tình thế hơn là mang tính hệ thống. Do đó, trước những khó khăn, thách thức, phải hết sức bình tĩnh, bản lĩnh,...
Dứt khoát không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh ba mục tiêu đối với EVN trong năm 2024. Thứ nhất, dứt khoát không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào.
Thứ hai, quản lý, điều hành ngành điện, nhất là giá cả theo quy luật thị trường nhưng có chính sách với các đối tượng an sinh xã hội.
Thứ ba, tái cấu trúc Tập đoàn theo quy luật thị trường, cân đối được tài chính, đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn, thách thức, khắc phục được những hạn chế, yếu kém.
Thủ tướng cũng yêu cầu EVN cần chủ động, làm tốt công tác dự báo nhu cầu điện, khai thác hiệu quả các nguồn điện bảo đảm cung ứng điện, tối ưu, đúng quy định, trong đó có việc huy động các dự án điện tái tạo và tính toán nhập khẩu điện phục vụ nhu cầu trong nước.
Tập đoàn cần nắm chắc tình hình, thực hiện các quy định về vận hành hệ thống điện, thị trường điện, phải rút kinh nghiệm sự cố năm 2023, không được để lúc cao điểm nắng nóng lại xảy ra sự cố nhiều nhất. Đồng thời, phấn đấu hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối chậm nhất vào tháng 6/2024.
Thủ tướng cũng đưa ra ý kiến vềcác đề xuất liên quan sửa đổi Quyết định 24 về về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định 28 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ đúng quy định về các cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu.
Đồng thời, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Điện lực, trong đó có nội dung về năng lượng tái tạo và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.