Thủ tướng giao NHNN rà soát sửa đổi Thông tư 02, hạ lãi suất đối với các khoản nợ của doanh nghiệp vật liệu xây dựng
Sáng 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng (VLXD).
Theo Thủ tướng, hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép, VLXD thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực. Sản lượng xi măng, gạch ốp lát thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới. Sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng thứ 13 trên thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN.
Tổng giá trị doanh thu hằng năm ngành VLXD xi măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11 % GDP quốc gia. Các nhà máy VLXD, xi măng, sắt thép Việt Nam ngày càng được đầu tư bài bản, đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và một phần xuất khẩu, khắc phục tình trạng thiếu VLXD, xi măng, sắt thép trong xây dựng thời kỳ trước năm 2010.
Tuy nhiên vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như ngành thép năng lực sản xuất còn hạn chế, Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhập siêu về thép, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt trong sản xuất thép thô. Ngoại trừ một số khu liên hợp công nghệ khép kín, phần lớn các đơn vị sản xuất còn lại sử dụng công nghệ còn hạn chế.
Về thị trường, cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đều gặp khó khăn. Tiêu thụ trong nước chậm do đầu tư xây dựng trong nước giảm sút; thị trường bất động sản trong nước trầm lắng; chí phí vận tải tăng cao;…
Xuất khẩu sụt giảm do lượng clinke xuất khẩu sụt giảm lớn; gặp cạnh tranh gay gắt về giá bán sản phẩm từ các nhà sản xuất lớn trên thế giới; chi phí cước vận tải biển tăng cao, cộng với các quy định về hàng rào kỹ thuật tại phần lớn thị trường xuất khẩu.
Tình hình tài chính của ngành gặp khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất VLXD, đặc biệt các doanh nghiệp xi măng đầu tư vốn rất lớn vào dự án sản xuất; giai đoạn đầu khi mới vận hành nhà máy, các doanh nghiệp phải trả nợ vốn vay, cộng với lãi vay cao, dẫn đến áp lực trả nợ cả gốc và lãi rất lớn.
Do tiêu thụ sản phẩm chậm trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng một số dây chuyền sản xuất sản phẩm, dẫn đến dòng tiền tài chính để trả nợ cho ngân hàng và chi phí nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất rất khó khăn. Nhiều nhà máy VLXD, đặc biệt là nhóm xi măng sản xuất không hiệu quả, thua lỗ, dẫn đến nợ xấu.
Về các giải pháp cụ thể đối với doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị tái cấu trúc quản trị, tài chính, đầu tư và nguyên liệu đầu vào để nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của sản phẩm.
Về công tác quản trị và thị trường, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường tiêu thụ VLXD trong nước thông qua triển khai tại các dự án lớn, dự án đầu tư công, công trình xây dựng thủy lợi, phòng chống thiên tai,… cũng như các hộ dân xây dựng, sửa chữa nhà ở đô thị và nông thôn...
Về tháo gỡ khó khăn tài chính, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với các khoản nợ của các doanh nghiệp ngành VLXD cho phù hợp với năng lực thực hiện nghĩa vụ tài chính hiện nay (Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023).
Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà máy sản xuất xi măng và các nhà máy sản xuất VLXD khác khi sử dụng các loại nhiên liệu thay thế.
Các bộ, ngành được giao nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách thuế để khuyến khích sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu, bảo đảm tính cạnh tranh và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Về quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực xi măng, Bộ Xây dựng được giao nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch (sửa đổi) trong thời gian tới.
Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu thực hiện biện pháp về phòng vệ thương mại, chống bán phá giá đối với các sản phẩm gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng nhập khẩu, bảo đảm phù hợp với những quy định trong tự do thương mại của WTO...