Thủ tướng đồng ý cần có cơ chế đặc thù cho các dự án điện trọng điểm
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sắp được giải cứu? Ảnh: Chí Hiếu
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng điện và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025.
Dự án chậm do né trách nhiệm
Chính phủ nhìn nhận, tiến độ triển khai nhiều dự án nguồn điện rất chậm so với kế hoạch, đặc biệt là các dự án nguồn nhiệt điện có quy mô công suất lớn dự kiến đưa vào vận hành đến năm 2023. Việc này làm ảnh hưởng rất lớn đến cân đối cung - cầu điện trong giai đoạn đến 2025, xuất hiện nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vào các năm 2022, 2023 và khó khăn về cung ứng điện vào các năm 2020, 2021.
Thế nhưng, theo Thường trực Chính phủ, nhiều việc triển khai còn chậm, thiếu quyết liệt, thiếu sự phối hợp chặt chẽ; nhiều nội dung xử lý còn lúng túng, có tâm lý né tránh trách nhiệm trong quá trình xử lý.
"Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo các tập đoàn phải kiểm điểm về vấn đề này, rút kinh nghiệm, không để xảy ra tình trạng như thời gian qua", chỉ đạo nêu rõ.
Để đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, Thường trực Chính phủ đồng ý về nguyên tắc xem xét việc áp dụng quy định tại luật Điện lực để cho phép triển khai các dự án điện cần thiết, cấp bách... Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai nhanh 9 dự án nguồn điện, gồm: Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, Dung Quất 1 và Dung Quất 3 (đồng bộ với Dự án khí Cá Voi Xanh), Ô Môn 3 và Ô Môn 4 (đồng bộ với Dự án khí Lô B), các dự án thủy điện nhà máy Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng.
Đối với Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét việc giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện các bước tiếp theo mà không trình duyệt lại chủ trương đầu tư.
Báo cáo Bộ Chính trị phương án "giải cứu" Nhiệt điện Thái Bình 2
Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 10.8 về phương án tổng thể xử lý các khó khăn, vướng mắc đối với Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để xem xét báo cáo Bộ Chính trị trong đầu tháng 8; khẩn trương tổng hợp báo cáo Thủ tướng trước 10.8 về phương án xử lý vướng mắc đối với Dự án nhà máy điện Long Phú 1, Sông Hậu 1.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đảm bảo cung cấp đủ than, khí cho từng nhà máy điện, chấm dứt tình trạng thiếu than đã xảy ra trong thời gian qua.
Cùng với đó, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc áp dụng cơ chế bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vĩnh Tân 3 với tỷ lệ hợp lý, tối đa 30%; đồng ý về nguyên tắc xem xét, ban hành cơ chế đặc thù trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng đối với các dự án điện trọng điểm, cấp bách dự kiến đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn tới.
Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc xem xét việc mua hết sản lượng điện phát của các nhà máy thủy điện nhỏ và các nhà máy điện mặt trời nếu được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, đảm bảo an toàn vận hành và có giá bán điện hợp lý; kiểm soát việc phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường.