Thu tiền sử dụng đất không minh bạch dễ phát sinh cơ chế 'xin - cho'
Đó là khẳng định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) tại hội nghị Lãnh đạo thành phố gặp gỡ doanh nghiệp hạ tầng và bất động sản.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp bất động sản tán thành khi Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề về việc cần thiết chuyển mục đích sử dụng đất một phần đáng kể diện tích đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn nhưng cần kiểm soát xu thế chỉ muốn chuyển các khu đất tại các vị trí "đắc địa" sang làm nhà ở, không tạo ra nhiều giá trị gia tăng và nguồn thu lâu dài cho thành phố.
Ông Châu khẳng định, bất cập lớn của thị trường bất động sản hiện nay là chính sách thu tiền sử dụng đất theo kiểu tận thu, thu trước, thu một lần rồi sau này không còn nguồn để thu dài hạn.
"Tiền sử dụng đất đang là gánh nặng của doanh nghiệp và người mua nhà; cơ chế thu tiền sử dụng đất không minh bạch, là ẩn số dễ phát sinh cơ chế "xin - cho"", ông Châu khẳng định.
"Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị chuyển tiền sử dụng đất thành "thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở", với thuế suất cụ thể đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng; đồng thời ban hành thuế bất động sản để tạo nguồn thu ngân sách bền vững, ổn định", ông Châu đề xuất.
HoREA kiến nghị TPHCM chỉ chấp thuận cho đầu tư sau khi đã giải quyết được hệ thống hạ tầng trong khu vực |
Cũng tại hội nghị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các doanh nghiệp bất động sản đồng hành cùng thành phố trong chương trình chỉnh trang đô thị.
Các chuyên gia bất động sản cho rằng, để làm nên bộ mặt thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, trước hết cần tập trung nguồn lực đầu tư dự án nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ; tham gia chương trình chỉnh trang, di dời, tái định cư nhà trên và ven kênh rạch...
Tuy nhiên, cái khó mà các doanh nghiệp bất động sản theo đuổi phân khúc nhà ở xã hội đang gặp phải chính là... vốn. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã hai lần ký quyết định áp dụng lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn từ ngân sách cho các ngân hàng thương mại (Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV). Do đó, chưa có người nào được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
HoREA kiến nghị lãnh đạo TPHCM cần "mạnh tay" đối với những chủ đầu tư thiếu trách nhiệm xã hội. Phân bổ, không thể đầu tư quá nhiều nhà chung cư cao tầng trong cùng một khu vực chưa có đủ hạ tầng, thậm chí trong cùng con đường nhỏ. Chỉ chấp thuận cho đầu tư sau khi đã giải quyết được hệ thống hạ tầng trong khu vực.
"Thực hiện các dự án phát triển nhà ở, nhất là nhà cao tầng phải góp phần làm tăng thêm độ thông thoáng trên mặt đất, thêm đường giao thông, chỗ đỗ xe, thêm nhiều cây xanh, mặt nước và các dịch vụ, tiện ích, chứ không được làm gia tăng tình trạng kẹt xe, úng ngập, ô nhiễm môi trường", ông Lê Hoàng Châu nói.
Quế Sơn
Tag :
Horea, tiền sử dụng đất, nhà ở xã hội, gói hỗ trợ tín dụng, chuyển mục đích sử dụng đất, đất phi nông nghiệp, nguồn thu ngân sách