Thu thuế Facebook, Google: Đá qua đá lại
Buộc đặt máy chủ tại Việt Nam để thu thuế Facebook, Agoda...? | |
Sửa luật để thu thuế Google, Facebook? | |
Yêu cầu Facebook, Google mở đại diện tại Việt Nam để 'truy' thuế |
Ngân hàng không được tự động "trích" tiền của khách
Việc chống thất thu thuế với Facebook, Google vẫn chưa rõ cơ quan nào chủ trì ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Để quản lý thu thuế đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử tại VN như Google, Facebook..., Bộ Tài chính vừa xây dựng một mục riêng về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại dự thảo luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo đó, bộ này đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần nghiên cứu yêu cầu các dịch vụ xuyên biên giới khi thanh toán phải thông qua cổng thanh toán nội địa (Công ty CP thanh toán quốc gia - NAPAS). Từ đó, cơ quan thuế mới kiểm soát được doanh thu của các dịch vụ này để có cơ sở đề nghị tổ chức nước ngoài khấu trừ nộp thuế.
Bộ Tài chính nên đứng ra chịu trách nhiệm Cần có sự vào cuộc của các NH thương mại để kiểm soát khâu thanh toán, nhưng trước đó phải có sự thống nhất giữa Bộ Tài chính và NHNN để chủ trì soạn thảo, tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý. Trong đó, Bộ Tài chính phụ trách lĩnh vực thuế nên đứng ra chịu trách nhiệm chính cho việc này, còn NHNN phải đứng ra hướng dẫn, yêu cầu các NH tuân thủ, kiểm soát, khấu trừ thuế theo luật định. Luật sư Nguyễn Thị Bình |
Tuy nhiên, NHNN không đồng tình với đề xuất này. Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, thẩm quyền ban hành quy định, hướng dẫn đăng ký thuế, báo cáo và thu thuế là của Bộ Tài chính, NHNN không có thẩm quyền chuyên môn về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, theo pháp luật hiện hành, tổ chức tín dụng chỉ được chủ động trích tiền từ tài khoản của khách khi được sự đồng ý của khách hàng hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. NH thương mại chỉ thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành và thỏa thuận với khách hàng.
Do đó, phía NHNN đề xuất bỏ nội dung giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, hướng dẫn các NH thương mại trước khi chuyển tiền thanh toán từ các tổ chức, cá nhân cho các trang mạng xã hội nước ngoài (như Google, Facebook, YouTube…) có trách nhiệm khấu trừ thay tổ chức nước ngoài số thuế nhà thầu phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Để có cơ sở cho phép các NH thương mại khấu trừ tiền thuế từ tài khoản của tổ chức nước ngoài để nộp vào ngân sách, ông Hưng cho rằng với tư cách cơ quan quản lý nhà nước về thuế, Bộ Tài chính phải chủ trì và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các NH thương mại thực hiện.
“Có gì đó sai sai”
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, đề nghị của Bộ Tài chính là một cách quản lý tốt có thể thực hiện. Thế nhưng phía Bộ cần giải quyết được bản chất của những khoản thanh toán qua hệ thống NH cho mục đích gì. Bởi có nhiều khoản thanh toán của khách hàng là để mua sắm chứ không phải mua quảng cáo của Facebook, Google... Nếu không tách bạch, không có hướng dẫn cụ thể, sẽ dẫn đến tình trạng tận thu, thuế chồng thuế.
Không đồng tình với quan điểm này, luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng quy định NH trích tiền trên tài khoản khách hàng khi thực hiện chuyển tiền thanh toán xuyên biên giới sẽ rất khó thực hiện và gây bức xúc cho khách hàng. Thực tế, đối với doanh nghiệp thực hiện thanh toán các khoản mua quảng cáo của Facebook, Google... thì không có vấn đề thất thu vì họ phải đưa vào chi phí, đóng thuế nhà thầu. Còn đối với cá nhân, do họ không có sổ sách nên sẽ không thể quản lý chi phí. Đáng nói là đang có nghịch lý trong việc chuyển tiền ra nước ngoài của cá nhân. Cụ thể, nếu chuyển tiền tại NH, theo quy định hiện nay, cá nhân sẽ phải chứng minh mục đích chuyển tiền hợp pháp, được nhà nước cho phép. Nhưng việc chuyển tiền xuyên biên giới qua thẻ theo hình thức internet banking để thanh toán hàng hóa, dịch vụ thì không giới hạn. “Ở đây có gì đó sai sai”, ông Xoa nhận xét. Do đó, theo ông, Bộ Tài chính và NHNN có thể ngồi lại xem "lịch sử" thanh toán cho phía nước ngoài của cá nhân theo hình thức nào, từ đó mới có biện pháp kiểm soát được. Hơn nữa, VN hiện nay ký kết hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với khoảng 70 nước. Chính vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá phương thức thu thuế như đã đưa ra trong dự luật.
Vấn đề quan trọng, theo các chuyên gia là sự vào cuộc của các bộ, ngành chủ trì soạn thảo còn quá chậm trễ, thiếu trách nhiệm. Luật sư Nguyễn Thị Bình (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích, về nguyên tắc quản lý thuế, bất cứ cá nhân, tổ chức mua dịch vụ của nước ngoài phải có trách nhiệm khấu trừ thuế nhà thầu. Trường hợp không khấu trừ được thuế nhà thầu thì bên mua dịch vụ phải bỏ tiền túi nộp thuế. Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cơ quan thuế quản lý bằng một mã số nhà thầu. Theo đó, bên mua dịch vụ thanh toán thông qua mã số này được nhà thầu nước ngoài mở tại các NH thương mại và cơ quan thuế luôn kiểm soát được các giao dịch này. Vì thế, việc mua dịch vụ của nhà thầu nước ngoài phải thanh toán qua cổng thanh toán quốc gia sẽ phát sinh thêm phiền hà cho doanh nghiệp.
Thống lĩnh thị phần, nộp thuế ít ỏi
Do chưa có chính sách quản lý chi tiết, triệt để nên hiện tại vẫn chưa thể có một con số chính thức về số thuế mà Google, Facebook đã trốn tại VN. Song, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, ở VN hiện nay có 67% số người sử dụng internet, trong đó có khoảng 60% số người dùng mạng xã hội. Đáng nói, thị trường trên internet của VN gần như nằm trong tay các công ty nước ngoài. Cụ thể, mạng xã hội nước ngoài chiếm 95%, tương tự các công cụ tìm kiếm 98%; thương mại điện tử 80%… Ông Đam cũng khẳng định, bao trùm lên các lĩnh vực trên là số tiền thu được từ quảng cáo. Hiện nay, tiền quảng cáo các công ty nước ngoài điển hình là Facebook và YouTube chiếm tới 80% thị phần. Riêng số tiền mà hai công ty Facebook và YouTube năm 2017 thu được là 320 triệu USD.
Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết ngành thuế đang cố gắng đẩy mạnh việc chống thất thu thuế, đặc biệt với lĩnh vực thương mại điện tử, trong đó có cả Facebook, Google. Theo ông Nam, ngành thuế sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu và phối hợp với mục tiêu là đảm bảo công bằng, thu được thuế và chống thất thu theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó tập trung vào những địa phương lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Hiện vẫn chưa rõ cơ quan nào đứng ra chủ trì, song lỗ hổng quản lý thuế Google, Facebook đã kéo dài nhiều năm nay do yếu kém, hạn chế và kẽ hở từ chính sách… khiến ngân sách nhà nước mỗi năm thất thu hàng chục, hàng trăm tỉ đồng tiền thuế. Đơn cử như việc các hãng taxi công nghệ Uber, Grab đang thống lĩnh thị trường taxi nội địa nhưng số thuế nộp khá khiêm tốn. Đây cũng là lý do các hãng taxi truyền thống liên tục kiến nghị xóa bỏ bất bình đẳng trên thị trường vận chuyển taxi. Không chỉ gây thất thu thuế, Uber B.V còn nộp đơn kiện quyết định truy thu 53 tỉ đồng tiền thuế của Cục Thuế TP.HCM lần 2. Trước đó, Uber đã nộp đơn kiện Cục Thuế TP.HCM về quyết định truy thu thuế nhưng do đơn kiện chưa đủ tính pháp lý nên tòa bác đơn. Ngày 27.3, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết cơ quan thuế vừa cung cấp hồ sơ cho bên tòa án. Trước đó, đầu tháng 9.2017, Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu hơn 66,68 tỉ đồng đối với Công ty Uber B.V (Hà Lan). Trong đó, phạt tiền về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỉ đồng, truy thu thuế với số tiền gần 51,48 tỉ đồng. Uber phải nộp thêm 4,9 tỉ đồng là tiền chậm nộp tính đến ngày 31.8.2017. Phía Uber đã thực hiện đóng hơn 13,3 tỉ đồng tiền truy thu thuế, phần còn lại Uber không chấp nhận và khiếu kiện ra tòa. Sau đó, Uber B.V khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính với lý do hãng này không phải đóng thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa VN - Hà Lan. Bộ Tài chính đã có văn bản bác khiếu nại của Uber B.V về quyết định truy thu 66,68 tỉ đồng thuế của Cục Thuế TP.HCM. Vụ việc hiện đang trong quá trình giải quyết. Tương tự, thị trường đặt phòng trực tuyến VN hiện nay chủ yếu rơi vào tay các hãng nước ngoài như Booking, Agoda nhưng chúng ta hầu như không thu được đồng thuế nào. Trong một lần gặp Bộ Tài chính, đại diện Công ty du lịch Sài Gòn Mũi Né phản ánh, công ty ký hợp đồng với trang Booking.com (trụ sở tại Hà Lan). Theo yêu cầu của cơ quan thuế, trước khi trả tiền cho dịch vụ này, doanh nghiệp phải khấu trừ thuế nhà thầu. Thế nhưng Booking.com không đồng ý vì cho rằng họ được miễn thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa VN - Hà Lan. Chuyên gia tài chính, PGS-TS Ngô Trí Long cho biết, Google và Facebook đang cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho thị trường VN thông qua 2 phương thức: qua các đại lý tại VN và mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến qua thẻ tài khoản tín dụng hoặc ví điện tử. Nếu thông qua đại lý, các doanh nghiệp trên phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi phát sinh doanh thu; nhưng ở phương thức mua bán và thanh toán trực tuyến lại chưa được quy định rõ nên có thể bên mua dịch vụ sẽ tự hợp thức hóa bằng cách mua hóa đơn của một dịch vụ khác. Bất cập này, theo ông Long, để lại hậu quả nghiêm trọng, khi mới đây Cục Thuế TP.HCM qua kiểm tra tại một NH phát hiện tổng số giao dịch của tổ chức, cá nhân VN với Google trong năm 2016 là 248.396 giao dịch với tổng số tiền thanh toán là 222,4 tỉ đồng. Với Facebook, tổng số giao dịch là 175.391, tổng số tiền thanh toán là 450,4 tỉ đồng. Đáng lưu ý, đây chỉ là doanh số giao dịch tại một NH. Các tổ chức, cá nhân thanh toán tiền cho Google và Facebook thông qua các thẻ tín dụng quốc tế như Visa, MasterCard, JCB, Amex... và thường không khấu trừ thuế nhà thầu. “Đó mới chỉ là một NH, nếu rà soát hàng chục NH, tổ chức thanh toán khác thì không biết số tiền thuế thất thu sẽ lớn đến mức nào”, ông Long lo ngại. |