Thủ phủ thịt lợn Hà Nam lượng giao dịch mỗi ngày giảm còn 1/3
Chợ đầu mối lợn lớn nhất miền Bắc: Số đầu lợn giao dịch hàng ngày giảm còn 1/3
Chợ đầu mối gia súc – gia cầm Hà Nam nằm tại thôn Phú Đa, xã Bối Cầu, huyện Bình Lục (Hà Nam). |
Chợ đầu mối gia súc – gia cầm Hà Nam, từ lâu nay đã được coi là chợ đầu mối lợn lớn nhất miền Bắc. Trước thời điểm giá lợn hơi giảm đáy chạm sàn vào tháng 4/2017, ở đây mỗi ngày có đến 1.800 - 2.000 con lợn được các lái thương giao dịch rồi từ đây phân phối đi thành phố Hà Nội và toàn miền Bắc. Song, hiện nay theo ban quản lý chợ đầu mối gia súc – gia cầm Hà Nam, số lượng lợn giao dịch tại chợ đã giảm xuống mỗi ngày chỉ còn 600 – 700 đầu lợn được giao dịch, tức đã giảm 2/3 so với trước kia.
Quang cảnh vắng vẻ, đìu hiu tại Chợ đầu mối lợn lớn nhất miền Bắc sau khi giá thịt lợn liên tục giảm trong suốt 1 năm qua. |
Nhiều tiểu thương tụm lại một chỗ nói chuyện phiếm trong khi chờ đợi lợn xuống chuồng. |
Anh Duy, một người làm nghề buôn lợn tại Chợ đầu mối gia súc – gia cầm Hà Nam cho biết: “Trước kia mỗi ngày có hàng trăm xe chở lợn ra vào chợ. Giờ giá lợn giảm xuống thấp quá nên người dân người ta sợ không dám nuôi”.
Giá lợn hơi tại Chợ đầu mối gia súc – gia cầm Hà Nam cập nhật ngày 15/3/2018 theo như lời thương lái ở đây như sau: Lợn ngon loại 1 có giá 32.000 đồng/kg đến 34.000 đồng/kg. Lợn loại 2 có giá quanh mức 30.000 đồng/kg.
Người dân vỡ nợ, bỏ chuồng vì giá lợn xuống thấp
Theo ghi nhận tại xã An Nội và xã Ngọc Lũ thuộc huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam phần lớn các hộ gia đình nuôi lợn tại đây hiện nay đều không còn nuôi nhiều như trước nữa, chỉ giữ lại một số lượng lợn rất ít để nuôi “cầm chừng” và để lấy khí biogas sinh hoạt. Nếu trước kia ở xã An Nội, Bồ Đề hay Ngọc Lữ trong số các hộ gia đình nuôi lợn thì nhà nào nuôi ít nhất cũng từ 70 – 80 con lợn, nuôi nhiều thì 300 – 400 con lợn có trang trại hiện đại, khang trang. Thì hiện nay hầu hết các gia đình chỉ còn nuôi từ 1 – 15 con lợn. Thậm chí là chuyển sang nuôi con vật khác như: gà, ngan, vịt.
Trước kia khi giá lợn ở mức cao, nuôi lợn đã giúp nhiều hộ dân nơi thoát nghèo và vươn lên làm giàu, nhiều hộ trở thành tỉ phú, điển hình tiên tiến của cả nước... thì nay cũng không ít gia đình từ việc có của ăn của để đã trở thành con nợ của ngân hàng và anh em hàng xóm. Theo như lời người dân ở đây, nhiều gia đình cả vợ cả chồng và con cái phải bỏ làng bỏ xã mà đi trốn nợ hiện giờ không biết đang ở đâu. Thương tâm hơn, có những trường hợp mà cả hai vợ chồng tự tử vì giá lợn xuống quá thấp, bán không đủ tiền trả nợ rồi nghĩ quẩn dẫn đến quyên sinh.
Chuồng trại bỏ hoang được người dân sử dụng làm kho chứa nông cụ nhà nông hoặc cải tạo thành chuồng nuôi gà. |
Đau đáu nỗi đau mang tên con lợn, ông Bình thôn Đội, xã Ngọc Nội, huyện Bình Lục chia sẻ: Năm vừa rồi gia đình ông đầu tư nuôi hơn 100 con lợn. Không những nuôi lợn không có lãi mà còn phải cắm sổ đỏ đi vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để trả nợ tiền thức ăn.
Giờ đây, điều mà người dân huyện Bình Lục mong ngóng nhất là giá lợn tăng lên đến 35.000 đồng/kg. Vì theo những người nuôi lợn, chỉ khi nào giá lợn lên đến 35.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi. Còn với giá như hiện nay, chỉ những trang trại nào lớn hiện đại và nuôi không thất thoát thì người nuôi mới có lãi.